Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến đầu năm 2015, vùng Tây Bắc có 106 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn là 1,73 tỷ USD.
Vốn FDI trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 68 dự án, tổng vốn đầu tư 90,5 triệu USD, (chiếm 78% vốn đầu tư); tiếp theo là lĩnh vực khai khoáng với ba dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 151,5 triệu USD (chiếm 27,5% vốn đầu tư); đứng thứ ba là lĩnh vực nghệ thuật vui chơi giải trí với ba dự án 86 triệu USD, chiếm 5% vốn đầu tư.
Đã có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, trong đó dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc với 40 dự án, tổng vốn đầu tư là 890 triệu USD (chiếm 51,4% tổng vốn đầu tư ), tiếp theo là các đối tác Nhật Bản, Australia với số vốn lần lượt là 147,8 triệu USD và 136 triệu USD.
Trong số 6 địa phương vùng Tây Bắc, dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài là Lào Cai với 35 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 875 triệu USD (chiếm 50,5% tổng vốn đầu tư ), tiếp theo là Hoà Bình với 33 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 435,4 triệu USD; Sơn La có 10 dự án với 280 triệu USD; Yên Bái có 23 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 137,6 triệu USD; Lai Châu với 5 dự án tổng số vốn là 4 triệu USD; cuối cùng là tỉnh Điện Biên có 1 dự án với tổng vốn 129.000 USD nhưng chuyển đổi thành đầu tư trong nước.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, vùng Tây Bắc là địa bàn có địa hình núi cao, giao thông đi lại giữa các địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông đang là một rào cản lớn đối với môi trường đầu tư tại vùng, làm tăng chi phí sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc này cũng gây khó khăn và làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào vùng./.