Ngày 23/11, Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) tổ chức tái thả 30 cá thể cầy vòi mốc về với môi trường tự nhiên sau một thời gian được chăm sóc.
Các cá thể cầy vòi mốc được tái thả sau cứu hộ lần này thuộc 100 cá thể được Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận từ Chi cục Kiểm lâm và Công an tỉnh Bắc Giang vào tháng 4/2021.
Đây là tang vật cơ quan chức năng tịch thu từ một vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Sau một thời gian được chăm sóc tâm lý, sức khỏe, đến nay 70 cá thể đã đủ tiêu chuẩn tái thả về môi trường tự nhiên. Trong đợt tái thả lần này, các đơn vị đã tổ chức đưa 30 cá thể về với môi trường tự nhiên tại Vườn.
[Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận 2 cá thể voọc xám quý hiếm]
Đây là một trong nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương được tổ chức trong nhiều năm trở lại đây, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận; góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, góp phần vào việc cứu nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giữ được sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên.
Đại diện Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết 30 cá thể cầy vòi mốc được trở về với môi trường tự nhiên lần này là đợt tái thả có số lượng lớn nhất từ trước tới nay. Các cá thể còn lại sẽ tiếp tục được chăm sóc và tái thả trong các đợt tiếp theo.
Tính đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng ngàn cá thể của nhiều loài khác nhau, tại rừng nguyên sinh Cúc Phương và nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác trên cả nước.
Tái thả động vật hoang dã về với tự nhiên cũng là hoạt động cốt lõi, thiết thực của tour du lịch "Về nhà," được Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức từ tháng 3/2021.
Tour du lịch này đã góp phần nêu bật thành quả của công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên thông qua du lịch sinh thái, đặc biệt là từ công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã./.