Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Tương lai có là "lợi bất cập hại"?

Mục đích tham gia CPTPP của Anh rất rõ ràng, đó là muốn tìm kiếm cơ hội thương mại mới sau khi "chia tay" EU, song mục đích này liệu có thực tế hay không lại là điều chưa rõ ràng.
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Tương lai có là "lợi bất cập hại"? ảnh 1Ôtô mới và hàng hóa được xếp tại cảng Southampton, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia, Vương quốc Anh đã chính thức đề nghị tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối liên kết thương mại của nước này với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss đã trao đổi với ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng phụ trách CPTPP của Nhật Bản kiêm Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2021, và ông Damien O'Connor, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu của New Zealand - quốc gia đóng vai trò là cơ quan lưu giữ các tài liệu chính thức của CPTPP - về vấn đề gia nhập CPTPP.

Các chuyên gia nhận định, vị thế của 11 quốc gia thành viên của CPTPP (hay còn gọi là TPP-11) có thể sẽ gia tăng bởi vì việc Vương quốc Anh xin gia nhập hiệp định này có thể sẽ thúc đẩy các quốc gia quan tâm khác hành động.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ bày tỏ mong muốn tham gia bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Ý nghĩa của việc gia nhập hiệp định đối với Vương quốc Anh và CPTPP

Trong một bức thư gửi Bộ trưởng New Zealand O'Connor, Bộ trưởng Truss viết: "Tôi thay mặt Vương quốc Anh viết thư cho ông để chính thức đề nghị khởi động các cuộc đàm phán về việc Anh gia nhập CPTPP."

Khẳng định CPTPP là "một trong những khu vực thương mại tự do quan trọng nhất trên thế giới," Bộ trưởng Truss viết việc tham gia thỏa thuận này là một ưu tiên của Vương quốc Anh "với tư cách là một quốc gia giao dịch độc lập mới."

[Hy vọng và thách thức đón đợi Anh trong đàm phán CPTPP]

Sau đó, bà Truss nói thêm rằng tư cách thành viên (trong CPTPP) của Anh "sẽ là bước đi đầu tiên trong việc mở rộng mạng lưới thương mại hiện đại và có ảnh hưởng của 11 nền kinh tế năng động ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Mỹ."

Ngoài ra, Nhật Bản, quốc gia giữ ghế Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2021, đang tìm cách duy trì mức độ tự do thương mại cao như một phần trong các yêu cầu về tư cách thành viên.

Do đó, việc bổ sung Vương quốc Anh, một nước ủng hộ thương mại tự do, làm thành viên đầu tiên trong quá trình mở rộng CPTPP sẽ hỗ trợ quan trọng cho các nỗ lực này.

Bắt đầu có hiệu lực vào tháng 12/2018, CPTPP có mức độ tự do hóa sâu rộng về thuế quan, thương mại điện tử và đầu tư. Ít nhất 95% thuế suất trong biểu thuế sẽ được bãi bỏ trong hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.

Đối với các biện pháp bảo hộ trong lĩnh vực kỹ thuật số, TPP-11 cấm các quốc gia yêu cầu tiết lộ mã nguồn phần mềm - một điều khoản không có trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc là một nước thành viên.

Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp nâng tỷ trọng của hiệp định này trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ 13 lên 16%. Theo số liệu của Chính phủ Vương quốc Anh, tổng kim ngạch thương mại của nước này với 11 quốc gia CPTPP là 111 tỷ bảng Anh (152 tỷ USD) vào năm 2019.

Bên cạnh đó, việc một nước châu Âu đầu tiên gia nhập TPP-11 sẽ giúp quảng bá CPTPP như một tiêu chuẩn quốc tế về thương mại tự do và có thể khuyến khích các bên quan tâm như Thái Lan tham gia.

Tuy nhiên, việc kết nạp thêm thành viên mới cần có sự đồng thuận của các nước thành viên. Sau khi một nền kinh tế chính thức nộp đơn xin gia nhập hiệp định này, Ủy ban CPTPP sẽ lập ra một nhóm công tác để đánh giá xem quốc gia ứng viên có đáp ứng các yêu cầu để gia nhập hay không. Theo ước tính, quá trình thẩm tra đối với Vương quốc Anh sẽ mất gần một năm.

"Với tư cách Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm nay, Nhật Bản sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận cần thiết," Bộ trưởng Bộ Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Nishimura Yasutoshi cho biết.

"Chúng tôi hy vọng rằng Vương quốc Anh sẽ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của mình trong việc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tiêu chuẩn cao của CPTPP."

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi, người phụ trách các cuộc đàm phán CPTPP với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhật Bản sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi TPP ngay trước khi thỏa thuận này có hiệu lực, nói: "Sẽ không có thay đổi về các quy định đối với bất cứ quốc gia nào."

Phát biểu trên của Bộ trưởng Motegi nhấn mạnh những quan ngại về Trung Quốc. Được ký kết vào năm 2016 giữa 12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ, TPP được kỳ vọng sẽ tạo thành một "bức tường thành" chống lại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sau đó, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này để đi theo hệ tư tưởng "Nước Mỹ trước tiên" của mình. Trong khi đó, Chính quyền tân Tổng thống Biden, vốn thận trọng trong việc tái gia nhập TPP, có thể sẽ ưu tiên xử lý dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các vấn đề đối nội khác.

Vào giữa tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẽ "cân nhắc tính thuận lợi" của việc gia nhập CPTPP. Điều này dường như nhằm khai thác khoảng trống mà Mỹ đã để lại.

Bằng cách bày tỏ sự quan tâm trước Washington, Bắc Kinh tìm cách có một vị thế thuận lợi để có các điều khoản có lợi cho mình. Các quy định về thương mại tự do được coi là một trở ngại đối với Trung Quốc.

Mặc dù CPTPP hạn chế các ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước song việc đạt được những nhượng bộ trên các vấn đề như vậy sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản và Vương quốc Anh có chung quan điểm về việc thúc đẩy thương mại tự do. Nhật Bản coi Vương quốc Anh như một đồng minh trong việc thúc đẩy nỗ lực duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với việc kết nạp thành viên mới.

Anh có thật sự được hưởng lợi từ CPTPP?

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kể trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng mục đích tham gia CPTPP của Anh rất rõ ràng, đó là muốn tìm kiếm cơ hội thương mại mới sau khi "chia tay" EU, song mục đích này liệu có thực tế hay không lại là điều chưa rõ ràng.

CPTPP là một hiệp định thương mại mang tính địa lý, các nước ký kết đều là những quốc gia xung quanh Thái Bình Dương. Bản thân 4 nước Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore đã có mối quan hệ trao đổi thương mại chặt chẽ từ trước, trong khi Mexico và Canada lại là đối tác thương mại quan trọng của nhau trong nhiều năm qua.

Ngược lại, Anh thiếu đi ưu thế địa lý một cách rõ nét và không có mối quan hệ thương mại mật thiết. Nhật Bản là nước Anh có quan hệ thương mại nhiều nhất trong số các nước thành viên CPTPP, nhưng nước này cũng chỉ đứng thứ 11 vào năm 2019, trao đổi thương mại với Nhật Bản chỉ chiếm 2,1% tổng thương mại của Anh.

Ngay cả khi khối lượng và thứ hạng thương mại của Anh đối với Nhật Bản, Australia và New Zealand đều tăng đáng kể trong năm 2020. Điều này lại không phản ánh trạng thái bình thường do toàn khu vực châu Âu đều đang chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Xét về một ý nghĩa nhất định nào đó, việc Vương quốc Anh tham gia CPTPP sẽ có lợi cho mục tiêu nâng cao kim ngạch của nước này và chắc chắn có tác dụng nhất định đối với việc bù đắp những tổn thất gây nên sau sự kiện Brexit (chỉ việc Anh rời EU).

Tuy nhiên xét một cách cụ thể, trong số các nước ký CPTPP, chỉ có GDP bình quân đầu người của Australia là trội hơn Anh, cao hơn khoảng 1/4, trong khi hai đối tác thương mại là Nhật Bản và Newzeland có GDP bình quân đầu người tương đương với Anh.

Bên cạnh đó, một nước phát triển khác là Canada không có quan hệ thương mại chặt chẽ với Anh, GDP bình quân đầu người của nước này cũng chỉ nhỉnh hơn Anh một chút.

Mặc dù GDP bình quân đầu người của Singapore là ngang với Australia, dẫn trước Anh một khoảng cách nhất định, nhưng dân số của đảo quốc này tương đối ít nên hiệu quả thương mại có thể mang lại khá hạn chế, trong khi quan hệ thương mại giữa Anh và Singapore cũng không quá mạnh.

Ở mức độ nhất định nào đó, GDP bình quân đầu người phản ánh mức độ giá cả và đãi ngộ công nhân của nước đó. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh về giá cả của hàng hóa xuất khẩu.

Theo đó, GDP bình quân đầu người càng cao, thì rất có thể một sản phẩm cùng loại sẽ được bán đắt hơn, trong những hiệp định thương mại lấy cắt giảm thuế quan làm mục đích, các nước có GDP bình quân đầu người càng cao thì càng có khả năng gia tăng nhập khẩu hàng hóa.

Điều đó không những gây nên thâm hụt thương mại, mà còn khiến cho một số ngành công nghiệp trong nước bị xói mòn.

Về cơ bản, giả thiết này phù hợp với lượng thương mại giữa Anh với những nước nói trên. Theo số liệu của Cục thống kê Anh, trong quan hệ thương mại với Nhật Bản, Australia và New Zealand, Anh chỉ ghi nhận xuất siêu thương mại hàng hóa với Australia trong 6 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, CPTPP còn bao gồm các nước đang phát triển như Mexico (đã phê chuẩn), Malaysia, Chile, Peru (chưa phê chuẩn)…, nên sau khi tham gia CPTPP rất có thể Anh sẽ gặp bất lợi trong thương mại hàng hóa.

Đương nhiên, ưu thế của Anh không nằm ở xuất khẩu hàng hóa, mà là thương mại dịch vụ, ngay cả đối với các nước phát triển Anh cũng có thể đạt được xuất siêu thương mại dịch vụ rất tốt. Do đó, việc gia nhập CPTPP giúp Anh có thể tăng cường phát triển lợi thế này.

Mặc dù vậy, điều này cũng làm nảy sinh một mâu thuẫn. Vấn đề được phản ánh trong cuộc trưng cầu Brexit ban đầu là các thành phố lớn như London được hưởng lợi từ các dịch vụ tài chính mong muốn ở lại EU, trong khi những thành phố công nghiệp truyền thống không hài lòng với sự sa sút của ngành sản xuất nên muốn rời khỏi EU.

Theo ước tính từ tình hình hiện tại, ngay cả khi Nhật Bản tuyên bố CPTPP có yêu cầu cao đối với tiêu chuẩn tiếp cận thị trường, đãi ngộ lao động..., việc Anh tham gia CPTPP sẽ khiến cho ngành công nghiệp nước này chịu thêm nhiều sức ép, khó có thể nói là tốt hơn so với việc ở lại EU.

Nếu Anh không thay đổi cơ bản về hiệu quả sản xuất, thì tham gia CPTPP sẽ không giúp ích cho việc cải thiện vấn đề sa sút của ngành sản xuất. Cuối cùng lại phải dựa vào sự hỗ trợ của ngành dịch vụ, để mặc cho ngành sản xuất tiếp tục lao dốc.

Các nước đã ký CPTPP có lẽ không có lý do mạnh mẽ để phản đối Anh tham gia CPTPP. Tuy nhiên, người Anh có lẽ sẽ hoài nghi tại sao London phải từ bỏ các đối tác EU có chung phạm vi địa lý để tìm kiếm điều xa xôi bên ngoài, nhưng kết quả lại chẳng có gì khác nhau.

Và sau khi tham gia CPTPP, liệu người Anh có cảm thấy "hối hận" như đã tham gia EU và muốn rút lui hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.