Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh phát triển công nghiệp sáng tạo, thiết thực đóng góp cho nền kinh tế đất nước.
Đó là lời khẳng định của Phó Đại sứ Vương quốc Anh Marcus Winsley tại hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vương quốc Anh: Thành tựu và triển vọng” do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị (VUFO), Đại sứ quán Anh và Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 21/3.
Phó Đại sứ cho biết hai nước đang học hỏi lẫn nhau, chia sẻ các mục tiêu, thúc đẩy thịnh vượng dựa trên chia sẻ thông tin, đầu tư, mở cửa thị trường, phát triển công nghệ, giao lưu nhân dân, phát triển công nghiệp sáng tạo… Ngoài quốc phòng, an ninh, năng lượng..., hai nước sẽ tiến hành nhiều thoả thuận để kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
“Tôi rất mừng khi chúng ta chia sẻ cùng một tầm nhìn về tương lai. Mong rằng chúng ta sẽ có 50 năm tiếp theo rực rỡ cho quan hệ song phương,” Phó Đại sứ Marcus Winsley nói.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Anh, các ngành công nghiệp sáng tạo của Vương quốc Anh đóng góp gần 13 triệu bảng cho nền kinh tế mỗi giờ, xuất khẩu 46 tỷ bảng Anh hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới, chiếm gần 12% tỷ lệ xuất khẩu của Vương quốc Anh. Số lượng việc làm liên tục gia tăng hàng năm, từ 1,56 triệu việc làm năm 2011 lên 2,22 triệu việc làm trong năm 2020.
Thủ tướng Gordon Brown từng nhận định rằng ngành công nghiệp sáng tạo là trái tim của nền văn hóa Anh, một đặc điểm nổi bật của bản sắc văn hóa dân tộc.
[50 năm quan hệ ngoại giao Việt-Anh: Thúc đẩy hợp tác ở nhiều lĩnh vực]
Trên cơ sở đó, các chuyên gia về công nghiệp sáng tạo Vương quốc Anh đã nêu lên một số giải pháp để Việt Nam phát triển lĩnh vực này.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung thể chế, chính sách nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên khuyến khích thành lập các quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật… Nguồn vốn ban đầu của các quỹ này có thể do nhà nước cấp hoặc trích % từ doanh thu quảng cáo, truyền thông số, bản quyền khai thác các sản phẩm do nhà nước đầu tư, lệ phí bán vé, các khoản hiến tặng, nguồn thu hợp pháp khác.
“Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Các bạn cần xây dựng mạng lưới không gian văn hoá và sáng tạo, tiến tới hình thành hệ sinh thái văn hoá, sáng tạo,” bà Donna McGowan chia sẻ.
Theo bà Donna McGowan, năm nay cũng đánh dấu 30 năm hiện diện của Hội đồng Anh tại Việt Nam, do đó đơn vị này sẽ triển khai chương trình UK/Vietnam Season nhằm tài trợ cho các dự án văn hóa, nghệ thuật, giáo dục.
“Chương trình UK/Vietnam Season sẽ đem đến một cơ hội tuyệt vời nhằm thể hiện sự xuất sắc và đổi mới sáng tạo của các dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đồng thời giúp phát triển những mối quan hệ hợp tác mới và đảm bảo những lĩnh vực quan trọng này sẽ lại được phát triển tốt hơn sau đại dịch,” bà Donna McGowan chia sẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc, Viện Nghiên cứu châu Âu, cũng nhấn mạnh vai trò của các hội đồng nghệ thuật và các quỹ đầu tư.
“Nước Anh có mô hình nhà bảo trợ (patron) và đặc điểm chính là hỗ trợ, đầu tư tài chính của chính phủ Anh đối với sự nghiệp văn hóa là có điều kiện, khuyến khích các đơn vị, cơ quan tự tạo ra thu nhập, phần còn lại tổ chức cần tự lo giải quyết,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc cho biết.
Ngoài vấn đề giao lưu nhân dân và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, hội thảo cũng bàn đến các hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Năm 2023 là năm đặc biệt đối với hai nước Anh và Việt Nam, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (11/9/1973-11/9/2023).
Chương trình kỷ niệm sẽ bao gồm nhiều sự kiện và lễ hội diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên cũng sẽ chào đón các chuyến công du của lãnh đạo Vương quốc Anh tới Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam tới Vương quốc Anh./.