Vượt khó đại dịch, Vietnam Airlines tự tìm nguồn doanh thu mới

Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay thuê chuyến để mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hàng không toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Vượt khó đại dịch, Vietnam Airlines tự tìm nguồn doanh thu mới ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Vietnam Airlines vừa thực hiện những chuyến bay đầu tiên chở khách đến Trung Quốc sau hơn năm tháng tạm dừng khai thác đường bay này. Với doanh thu hơn nửa triệu USD/chuyến, những chuyến bay sẽ mang lại dòng tiền không nhỏ cho hãng trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Theo đó, chuyến bay chở khách đầu tiên đến Trung Quốc của Vietnam Airlines sau thời gian tạm dừng khai thác đã khởi hành từ London (Anh) sáng 18/7, quá cảnh tại Hà Nội, sau đó bay tiếp đi Nam Kinh. Chuyến bay chở hơn 270 hành khách là công dân Trung Quốc trở về nước. Các hành khách không rời khỏi tàu bay trong thời gian quá cảnh tại Hà Nội.

“Trên chặng quay về Việt Nam, tàu bay không chở khách. Toàn bộ tổ bay, tiếp viên sau đó đều được cách ly theo quy định,” đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Thừa nhận hiện nay có rất ít chuyến bay quốc tế được khai thác lại ở thị trường Trung Quốc nhằm đảm bảo phòng chống COVID-19 nên việc xin cấp phép các chuyến bay chở khách đến Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với sự cố gắng không ngừng của toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Vietnam Airlines cùng sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, những chuyến bay này đã được thực hiện thành công sau một thời gian dài chờ đợi.

[Vietnam Airlines đương đầu và ''vượt bão'' dịch COVID-19 thế nào?]

Theo kế hoạch từ nay đến hết tháng Tám, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay chở khách từ London đến Nam Kinh, quá cảnh tại Hà Nội. Phương án khai thác đường bay Trung Quốc này mang lại hiệu quả kinh tế lớn, trong khi vẫn đảm bảo phòng chống dịch tuyệt đối. Đồng thời, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay chở hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Đây đều là những nguồn doanh thu đặc biệt quan trọng đối với Vietnam Airlines trong nỗ lực ‘tự mình cứu mình’ vượt qua cuộc khủng hoảng hàng không toàn cầu do đại dịch COVID-19 bên cạnh tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài,” đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), năm nay hàng không toàn cầu sụt giảm doanh thu 419 tỷ USD, riêng Việt Nam thiệt hại hơn 4 tỷ USD. Không chỉ mang lại nguồn doanh thu cho Vietnam Airlines, các chuyến bay này còn là tiền đề quan trọng trong quá trình nối lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Các đường bay quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines, khi chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu của hãng. Trên cơ sở kết quả làm việc giữa nhà chức trách hàng không Việt Nam với các nước, Vietnam Airlines đang xây dựng phương án khai thác lại một số đường bay quốc tế từ tháng Tám, gồm giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia.

Nếu có thể khai thác lại các đường bay quốc tế, đây sẽ là tín hiệu khởi sắc rất đáng mừng cho hãng hàng không Quốc gia Việt Nam sau nhiều tháng “chiến đấu” kiên cường với đại dịch COVID-19.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, COVID-19 khiến hàng không thế giới “tê liệt” và cần 3 năm nữa để trở lại mức của năm 2019.

“Vietnam Airlines đang phát triển vững mạng nhưng dịch làm đảo lộn toàn bộ khi hiện đã lỗ ròng 15.000 tỷ đồng. Áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu dự kiến bớt được 2.200 tỷ đồng nên sẽ lỗ 13.000 tỷ đồng. Hãng sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu,” ông Thành tiết lộ con số./.

Vietnam Airlines đã triển khai giải pháp trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 như cắt giảm các chi phí như cắt giảm chủ động do tiết kiệm hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động); giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Hãng cũng tận dụng cơ hội tăng thu như tăng vận chuyển hàng hóa (chở hàng trên cabin); thuê chuyến chở khách nước ngoài về nước; thanh lý tàu bay cũ... đồng thời đẩy mạnh khai thác nội địa, góp phần kích cầu du lịch nội địa, tăng doanh thu và dòng tiền.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.