WB khẳng định không nên tích trữ lương thực và xăng dầu

Chủ tịch WB dự báo nguồn cung năng lượng bên ngoài Nga và nguồn cung lương thực bên ngoài Nga và Ukraine sẽ tăng mạnh, qua đó giảm thiểu tác động của việc giá cả leo thang.
WB khẳng định không nên tích trữ lương thực và xăng dầu ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại khu vực al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass khẳng định người dân và doanh nghiệp không nên tích trữ lương thực và xăng dầu trong bối cảnh giá các mặt hàng này tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Phát biểu ngày 14/3 tại một sự kiện trực tuyến do báo Washington Post tổ chức, Chủ tịch Malpass nhận định các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động lớn hơn đối với sản lượng kinh tế toàn cầu so với chính cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, dựa trên các đánh giá hiện nay, ông không cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ đặt dấu chấm hết cho đà phục hồi kinh tế và làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

[Các DN nước ngoài rời khỏi Nga có thể sẽ bị mất tài sản tại nước này]

Chủ tịch WB hy vọng các nhà sản xuất trên thế giới sẽ phản ứng mạnh mẽ để tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực tế và người dân không cần phải tích trữ lương thực.

Ông cũng dự báo nguồn cung năng lượng bên ngoài Nga và nguồn cung lương thực bên ngoài Nga và Ukraine sẽ tăng mạnh, qua đó giảm thiểu tác động của việc giá cả leo thang và giúp duy trì đà phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Malpass tin tưởng nguồn cung năng lượng có thể tăng nhanh hơn nguồn cung lương thực do việc điều chỉnh trong ngành nông nghiệp thường mất khoảng một năm.

Chủ tịch WB nhấn mạnh việc cần làm trong tình hình hiện nay không phải là đi mua lương thực và xăng để dự trữ, mà mỗi người dân trên thế giới cần nhận thức được rằng nền kinh tế toàn cầu hết sức năng động và sẽ phản ứng phù hợp, đảm bảo đủ nguồn cung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.