Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Campuchia đang phục hồi vững chắc. Dự báo tăng trưởng đạt 5,5% trong năm 2023.
Trong báo cáo “Cập nhật kinh tế Campuchia của Ngân hàng Thế giới (WB): Phục hồi kinh tế hậu COVID-19,” WB cho rằng tiến trình phục hồi kinh tế của Campuchia dần vững chắc vào năm 2022, khi tốc độ tăng trưởng thực đạt 5,2%.
Sự phục hồi mạnh mẽ trong các ngành dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch và khách sạn đã giúp đưa Campuchia trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19, với lượng du khách nước ngoài tăng nhanh khi quốc gia này đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12).
Theo báo cáo, Campuchia có thể phục hồi nhanh như vậy cũng nhờ những biện pháp như giảm giá trong nước khi giá dầu và lương thực toàn cầu ổn định.
Báo cáo của WB nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ tăng lên 5,5% trong năm 2023 khi ngành nông nghiệp đang mở rộng nhờ khả năng tiếp cận thị trường khu vực được cải thiện sau các hiệp định thương mại mới.
Tuy nhiên, nhu cầu nước ngoài suy giảm kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu, trong khi vấn đề tài chính toàn cầu tiếp tục được thắt chặt có thể gây rủi ro trong lĩnh vực tài chính của Campuchia.
[Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định kinh tế đang dần phục hồi]
Bà Maryam Salim, Giám đốc WB tại Campuchia, cho biết để đảm bảo quá trình phục hồi kinh tế, Campuchia cần đa dạng hóa sản phẩm và điểm đến du lịch, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh thương mại bằng cách tăng cường kết nối, nới lỏng các rào cản thương mại và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.
Về trung hạn, tăng trưởng kinh tế của Campuchia dự kiến sẽ tăng lên 6% nhờ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ mạnh mẽ cũng như đầu tư tăng đáng kể, đặc biệt là theo quan hệ đối tác công-tư cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cảng biển và đường bộ.
Campuchia cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối và phát triển nhân sự, đảm bảo ổn định tài chính và thúc đẩy đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước này./.