"WB muốn giúp Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao"

WB sẽ phân bổ cho Việt Nam hơn 3,8 tỷ USD trong 3 năm tới nhằm giúp Việt Nam tiếp tục đầu tư để cải thiện cuộc sống của người dân.
"WB muốn giúp Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao" ảnh 1Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước).

Chiều ngày 17/7, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có buổi làm việc với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nhân chuyến lần đầu tiên tại Việt Nam của ông Jim Yong Kim.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch WB thông báo, Ngân hàng này sẽ phân bổ cho Việt Nam hơn 3,8 tỷ USD trong 3 năm (2014-2017) từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế-IDA là nguồn vốn dành cho những nước nghèo nhất. Nguồn vốn này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đầu tư để cải thiện cuộc sống của người dân và nhằm giúp Việt Nam có thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Với số vốn này, Việt Nam tiếp tục là nước được phân bổ nguồn vốn IDA lớn thứ 2 của WB liên tục trong vòng 9 năm giai đoạn 2008-2017.

Ghi nhận tái cơ cấu ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá cao kết quả cải cách của WB đã đạt được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Ông Chủ tịch Kim, đồng thời bày tỏ ủng hộ chiến lược và định hướng hoạt động của WB trong thời gian tới về: giảm nghèo cùng cực; chia sẻ thành tựu phát triển; đảm bảo hiệu quả đầu tư và kết hợp các nguồn lực phát triển.

Thống đốc đã thông báo cho Chủ tịch WB về tình hình cải cách hệ thống ngân hàng, định hướng và quyết tâm tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này trong thời gian tới nhằm tiến tới xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thống đốc cũng đánh giá cao hỗ trợ của WB trong Chương trình Đánh giá Ổn định khu vực tài chính (FSAP), qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm thông tin tổng thể hơn về hệ thống tài chính ngân hàng và tạo cơ sở quan trọng cho định hướng cải cách.

Thống cho biết nhiều biện pháp cải cách hệ thống ngân hàng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với các khuyến nghị của FSAP và Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm, chú trọng tới vấn đề ổn định tài chính và coi đây là một phần không thể tách rời của ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ tịch WB đánh giá cao những thành công và đóng góp của Ngân hàng Nhà nước trong thành tích ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Ông bày tỏ ủng hộ chính sách của Ngân hàng Nhà nước tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên: sản xuất, xuất khẩu, tài chính vi mô, nông nghiệp nông thôn.... và cho biết đây cũng là mục tiêu chiến lược và hoạt động của WB để hỗ trợ người nghèo, các ngành sản xuất và khu vực tư nhân.

Chủ tịch WB ủng hộ mục tiêu về kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô của Việt Nam, đồng thời đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước trong việc đạt được những kết quả đáng ghi nhận về cải cải cách ngân hàng thông qua triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch WB khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến trình này, đặc biệt là phải thu xếp nguồn lực và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhằm giúp Việt Nam sớm xây dựng được một khu vực ngân hàng hiện đại ngang tầm khu vực. Ông bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua và sẵn sàng cung cấp nguồn lực hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh tiến trình này.

Xây dựng chính sách đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí. Tại buổi họp báo này, Chủ tịch WB cũng cho biết, Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đồng ý tiến hành một nghiên cứu chung khuyến nghị một số chính sách để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn tới, đưa Việt Nam vào lộ trình một nước hiện đại, công nghiệp trong một thế hệ.

Nghiên cứu chung này sẽ xem xét những thay đổi cần thực hiện để tăng cường thương mại, tính cạnh tranh, nâng cao môi trường kinh doanh và đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực tư nhân.

Nghiên cứu cũng sẽ đưa ra những hành động mà Việt Nam cần thực hiện để tăng cường tính bền vững kinh tế, cải cách thể chế và tạo công bằng các cơ hội cho mọi người.

“Chúng tôi rất mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu với Việt Nam trong nghiên cứu chung này với mục đích phát huy tiềm năng của Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao trong các thập kỷ tới,” Chủ tịch WB Jim Yong Kim chia sẻ.

Chủ tịch WB nhấn mạnh, nếu tiến hành cải cách quyết liệt ngành tài chính và các doanh nghiệp Nhà nước, tạo ra mức độ minh bạch và trách nhiệm cao hơn thì Việt Nam sẽ có thể quay trở lại con đường tăng trưởng nhanh. Nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết ủng hộ Việt Nam trong quá trình đổi mới khó khăn này.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ký với Chủ tịch WB các Hiệp định của 5 chương trình/dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới có tổng trị giá 876 triệu USD.

Cụ thể: Chương trình Quản lý kinh tế và nâng cao hiệu quả cạnh tranh lần thứ hai (EMCC2) trị giá 250 triệu USD; Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc trị giá 250 triệu USD; Dự án giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế trị giá 106 triệu USD; Chương trình Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện 3 trị giá 200 triệu USD và Chương trình khoản vay chính sách phát triển về biến đổi khí hậu lần thứ ba (DPL3) trị giá 70 triệu USD.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.