WB: Ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện

Báo cáo cập nhật của WB cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng.
WB: Ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện ảnh 1Giám đốc WB Việt Nam, bà Victoria Kwakwa. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Ngày 8/7 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng.

Phát biểu tại lễ công bố, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết Việt Nam dự báo tăng trưởng ở mức 5,4%, con số này vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do nhu cầu trong nước còn yếu. Còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Cũng trong lễ công bố, nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh gần đây, mặc dù dòng du khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm nhưng nhìn vào bằng chứng là những con số thì chưa thấy sự tác động nào, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Ban đầu có sự lo ngại của những người làm thương mại Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa có tác động tiêu cực.

Chính phủ Việt Nam đang có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại. Các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Đây là tín hiệu tốt cho thấy Chính phủ Việt Nam thật sự quan tâm và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài, bà Victoria Kwakwa nhận định.

Theo Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát giảm, cải thiện tài khoản đối ngoại và ổn định thị trường ngoại hối. Tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức khoảng 5,4% do có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo vẫn mạnh.

Bên cạnh đó, cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khóa bị thu hẹp.

Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu - tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước, đồng thời xóa bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.

Theo báo cáo, về tổng thể Việt Nam đã đạt tăng trưởng nhanh, với tỷ lệ tăng khiêm tốn về bất bình đẳng thu nhập theo thời gian.

Giai đoạn 1993-2012, thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số nghèo nhất tăng trưởng 9% mỗi năm, là dẫn chứng điển hình về sự chia sẻ thịnh vượng.

Kết quả từ một khảo sát nhận thức về bất bình đẳng trong báo cáo điểm lại cho thấy mối lo ngại về bất bình đẳng thu nhập, đặc biệt trong nhóm dân cư đô thị.

Ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ, bất bình đẳng thu nhập phản ánh sự khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo vùng miền và nhóm dân tộc cũng như sự bất bình đẳng lớn về cơ hội.

Cơ hội ở đây được hiểu là những hoàn cảnh của trẻ em sẽ ảnh hưởng tới cơ hội thành công của chúng trong tương lai. Trẻ em từ các gia đình nghèo ít có khả năng theo học trung học và được tiếp cận với điều kiện vệ sinh và dịch vụ y tế; và có khả năng bị suy dinh dưỡng cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.