Thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong 10 năm tới

WB: Thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong 10 năm tới

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/1 dự báo, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ tới so với mức tăng tương ứng của 30 năm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
WB: Thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong 10 năm tới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/1 dự báo, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ tới so với mức tăng tương ứng của 30 năm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.

Theo bốn chuyên gia kinh tế của WB, thương mại toàn cầu đã tăng trưởng ổn định khoảng 7% mỗi năm trong vòng 30 năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2009.

Sau giai đoạn đó, mức tăng này đã sụt giảm một nửa và chỉ tăng khoảng 5% trong trung hạn. Thương mại quốc tế đã giúp kinh tế toàn cầu vượt qua các thời điểm khó khăn trong 20 năm trước khủng hoảng tài chính, với mức tăng trưởng gần gấp đôi so với sản lượng kinh tế. Tuy nhiên, số liệu thống kê gần đây cho thấy, thương mại toàn cầu đang mất dần động lực.

Chuyên gia WB cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự phục hồi mong manh sau khủng hoảng tài chính. Năm năm sau khủng hoảng, nhu cầu nhập khẩu hiện thấp hơn 1/5 so với mức trước đó.

Hoạt động đầu tư yếu, đặc biệt là tại Khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone), cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng thương mại, bởi lẽ hoạt động đầu tư đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu so với các động lực kinh tế khác như tiêu dùng và chi tiêu chính phủ.

"Thương mại toàn cầu đang mất đà không chỉ do mức tăng thu nhập của thế giới chậm lại, mà còn do hoạt động thương mại phản ứng chậm hơn so với mức tăng thu nhập". Các nhà hoạch định chính sách đang hy vọng rằng các khu vực chưa khai thác hết tiềm năng phát triển và các hiệp định thương mại toàn cầu có thể giúp tăng trưởng thương mại phục hồi một số động lực.

WB cũng cho rằng hội nhập lớn hơn tại Đông Nam Á, khu vực Nam Xahara (châu Phi) và Nam Mỹ sẽ là yếu tố góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.