WB: Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam là tích cực

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá vững chắc. Các ngành chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu và cầu trong nước tăng mạnh.
WB: Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam là tích cực ảnh 1Bãi tập kết container tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 4/10, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, kết nối qua cầu truyền hình với Việt Nam.

Cập nhật các diễn biến gần đây về tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Báo cáo cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá vững chắc. Các ngành chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu và cầu trong nước tăng mạnh.

Về cơ bản, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng chậm trễ trong củng cố tài khóa, tín dụng tăng trưởng nhanh có thể gia tăng rủi ro trong dài hạn. Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế giúp cải thiện tiềm lực tăng trưởng.

Báo cáo nhấn mạnh triển vọng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam vẫn được đánh giá là tích cực. Tuy nhiên suy giảm của ngành khai khoáng, đặc biệt là khai thác dầu thô cũng đã gây tác động tiêu cực tới mức tăng trưởng chung.

Áp lực lạm phát dự kiến ở mức vừa phải do lạm phát lõi ổn định và đã có sự phối hợp điều chỉnh giá dịch vụ, hàng hóa do nhà nước quản lý. Tài khoản thanh toán vãng lai sẽ vẫn thặng dư nhưng mức thặng dư sẽ giảm do nhập khẩu tăng nhanh trở lại.

Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018-2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung. Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm trong điều kiện không có những diễn biến bất lợi về thiên tai.

[ADB: Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn vào cuối năm]

Đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam, Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng, các rủi ro trong nước và bên ngoài đòi hỏi phải liên tục áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng.

Nếu muốn duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tái tạo khoảng đệm chính sách và coi đây là ưu tiên hàng đầu; giảm thâm hụt tài khóa sẽ giúp kiềm chế rủi ro về bền vững tài khóa và tạo khoảng đệm tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc có thể xảy ra trong tương lai; tiếp tục tăng cường các nghiệp vụ giám sát và quản lý thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro cho khu vực ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương cho biết, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra và thương mại quốc tế tăng trưởng là những yếu tố tích cực đối với khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, giúp các nước tiếp tục nâng cao mức sống.

Thách thức đối với các nước là làm sao vừa đạt các mục tiêu ưu tiên về tăng trưởng ngắn hạn, vừa đạt mục tiêu giảm bớt rủi ro trong trung hạn một cách hài hòa để từ đó các nước trong khu vực tạo được cơ sở vững chắc hơn cho tăng trưởng bền vững và hòa nhập.

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng, cần tập trung ưu tiên giảm thiểu rủi ro, nâng cao ổn định ngành ngân hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua việc hội nhập khu vực sâu hơn nữa.

Theo Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu và mức cầu nội địa tiếp tục cải thiện đã tạo cơ sở cho thấy viễn cảnh tích cực tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh, giá hàng hóa nguyên vật liệu hồi phục nhẹ và thương mại toàn cầu hồi phục chính là những yếu tố tích cực từ bên ngoài.

Các tác giả báo cáo kêu gọi hãy từ bỏ các biện pháp tăng trưởng ngắn hạn và quan tâm giải quyết các rủi ro tài chính, tài khóa. Các biện pháp đó bao gồm: tăng cường giám sát, quản lý cẩn trọng tại các nước có tỷ lệ cao về tăng trưởng tín dụng, nợ tư nhân; đổi mới chính sách, công tác quản lý thuế nhằm tăng nguồn thu; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống chính sách tiền tệ bị thắt chặt do tốc độ tăng trưởng lãi suất tại các nước phát triển.

WB: Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam là tích cực ảnh 2Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng cần phát triển du lịch và tăng cường hội nhập theo chiều sâu trong khu vực nhằm giảm nhẹ rủi ro do chủ nghĩa bảo hộ mang lại.

Nếu quản lý tốt, tăng trưởng du lịch sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước trong khu vực, kể cả các quốc đảo Thái Bình Dương.

Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ góp phần tăng cường hội nhập khu vực nhờ tự do hóa thương mại dịch vụ, cắt giảm hàng rào phi thế quan.

Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hòa nhập và dài lâu cần tập trung xóa bỏ nghèo cùng cực, đồng thời áp dụng các chính sách tăng cường cung cấp dịch vụ có chất lượng và tạo việc làm, tăng cường hệ thống an sinh xã hội nhằm giảm bớt tác động của các cú sốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.