Ngày 13/9, Nhật Bản và Việt Nam kêu gọi Mỹ quay trở lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay đã được đổi tên là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gần 2 năm kể từ ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại này.
Theo hãng tin AFP của Pháp, phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố các nước thuộc CPTPP vẫn tin tưởng thỏa thuận thương mại này là phương án tốt nhất cho Mỹ, là cơ hội hấp dẫn cho ngành công nghiệp, cũng như nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, ông Kono cũng cho biết CPTPP có thể bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ủng hộ tuyên bố của ông Kono, đồng thời đánh giá CPTPP là "một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao."
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn cố gắng tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành CPTPP, được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3.
Dù vậy, các nước tham gia CPTPP tuyên bố vẫn "để ngỏ cửa" nếu Washington mong muốn quay trở lại thỏa thuận này, đồng thời không loại trừ việc kết nạp thêm các nước muốn tham gia CPTPP.
Hồi tháng Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ chỉ tham gia lại CPTPP nếu hiệp định này có các điều khoản "tốt hơn."
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP đạt khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./.