Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2015 (gọi tắt là WEF Đông Á 2015) sẽ diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia từ 19 đến 21/4.
Dự kiến có 700 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia, trong đó có 180 CEO và Chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn, cùng 40 bộ trưởng và đại diện tổ chức quốc tế tham dự diễn đàn. Đoàn Việt Nam sẽ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, tham dự.
Với chủ đề “Đặt niềm tin vào chủ nghĩa khu vực mới của Đông Á," WEF Đông Á 2015 sẽ tập trung thảo luận các nội dung xác định các giải pháp tiềm năng để giải quyết những thách thức xã hội; tìm hiểu cơ hội và nguyên nhân tác động đến tăng trưởng kinh tế khu vực trong bối cảnh kinh tế mới (đổi mới công nghệ, tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mới hoặc tính bền vững về môi trường và xã hội); rà soát sự tiến bộ trong hợp tác khu vực, thảo luận và đề ra phương hướng giải quyết 10 thách thức toàn cầu thông qua hợp tác nhiều bên và quan hệ đối tác công-tư; tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác khu vực.
Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tập đoàn kinh tế lớn cũng sẽ phân tích, đánh giá những thay đổi chính trị và xã hội trên toàn thế giới, đồng thời cân nhắc về các vấn đề liên quan đến thương mại tư nhân, quốc gia và khu vực cũng như vấn đề đầu tư mang tầm quốc tế.
Dự kiến tại diễn đàn lần này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng các nhà lãnh đạo thế giới trao đổi về các vấn đề kinh tế, chính trị khu vực và thế giới như Hội nhập và liên kết khu vực, vai trò và tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN, các xu thế phát triển của kinh tế khu vực và thế giới, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác trên thế giới.
Trong thời gian diễn ra hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc gặp song phương quan trọng với lãnh đạo cấp cao một một số nước, tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh tế lớn.
Diễn đàn lần này được đặt trong bối cảnh Đông Á, khu vực đông dân nhất thế giới tiếp tục là khu vực phát triển nhanh nhất của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng trung bình dự kiến duy trì là trên 7% trong năm 2015. Khu vực này có một số nền kinh tế thịnh vượng của thế giới như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Đông Á đang tiếp tục được tăng thêm sức mạnh nhờ một số thị trường mới nổi, như Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Việc các nước chuẩn bị cho sự ra mắt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, báo trước một kỷ nguyên mới về thị trường hàng hóa và dịch vụ tự do của 10 quốc gia với hơn 600 triệu người.
WEF Đông Á là một trong bốn diễn đàn kinh tế khu vực (cùng với châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông) của WEF. WEF Đông Á được tổ chức thường niên với mục tiêu tăng cường và mở rộng quan hệ, hợp tác kinh tế-thương mại giữa các nước trong khu vực và giữa Đông Á với các khu vực khác trên thế giới./.