WEF thảo luận về kinh tế Trung Quốc và việc đồng euro mất giá

Đà suy giảm kinh tế Trung Quốc, đồng euro mất giá và bất ổn chính trị tại Trung Đông là những vấn đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh về Chương trình Nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
WEF thảo luận về kinh tế Trung Quốc và việc đồng euro mất giá ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt thảm ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 25/10, Hội nghị thượng đỉnh về Chương trình Nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã khai mạc tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trong thời gian diễn ra từ 25-27/10, hội nghị dự kiến sẽ tập trung thảo luận những thách thức trong nền kinh tế toàn cầu cũng như các giải pháp cho các thách thức này.

Tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị của WEF, Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan Al Mansouri nhấn mạnh rằng trong hai năm qua, thế giới đã chứng kiến một loạt thách thức đối với kinh tế toàn cầu, trong đó lớn nhất là đà suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, sự mất giá của đồng euro và bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông.

Theo ông Al Mansouri, những vấn đề nói trên cũng như các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị kéo dài ba ngày.

Ngoài ra, đại diện các nền kinh tế tham dự hội nghị cũng tập trung trao đổi về một loạt vấn đề cấp bách khác như việc làm, nguồn nhân lực, an ninh lương thực, khan hiếm tài nguyên, bình đẳng giới, tương lai của Internet, thương mại quốc tế, đầu tư dài hạn cũng như tương lai của hệ thống tài chính toàn cầu.

Ông Al Mansouri cho rằng trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, vấn đề đầu tư đang trở thành thách thức đối với nhiều quốc gia, nhất là những nước có dự định thu hút đầu tư để khôi phục nền kinh tế đất nước. Một thách thức khác cũng đang hiện hữu là đầu tư dài hạn, nhất là vào các dự án hạ tầng và phát triển.

Bộ trưởng Kinh tế UAE cho biết thêm UAE hiện sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng và sân bay thuộc loại tốt nhất thế giới. Nước này đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). UAE có kế hoạch nâng tỷ trọng đóng góp của các SME trong nền kinh tế từ khoảng 60% GDP hiện nay lên hơn 90% GDP trong những năm tới.

Hội nghị thượng đỉnh về Chương trình Nghị sự Toàn cầu của WEF lần này thu hút hơn 900 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách chủ chốt từ khắp nơi trên thế giới, hơn 80 nhóm chuyên gia từ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các chính phủ... Hội nghị sẽ giúp giải quyết các vấn đề quan trọng chiến lược của UAE cũng như khu vực Trung Đông và Bắc Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.