WGC hạ triển vọng nhu cầu vàng trong nửa cuối năm 2022

Trong triển vọng trái chiều, các nhà phân tích cho rằng áp lực lạm phát dai dẳng cùng với sự bất ổn của thị trường ngày càng tăng sẽ hỗ trợ giá vàng trong suốt thời gian còn lại của năm.
Vàng trang sức được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Chennai, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường vàng đã chứng kiến nhu cầu vật chất tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu chậm lại kể từ quý 2/2022 đã khiến Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) hạ triển vọng nhu cầu kim loại quý này trong những tháng còn lại của năm.

WGC cho rằng những thách thức trong nền kinh tế vừa tạo ra những trở ngại, đồng thời cũng mang lại cơ hội cho vàng.

Trong triển vọng trái chiều, các nhà phân tích cho rằng áp lực lạm phát dai dẳng cùng với sự bất ổn của thị trường ngày càng tăng sẽ hỗ trợ giá vàng trong suốt thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, đà tăng giá ổn định của đồng USD sẽ đóng vai trò như một "cơn gió ngược."

Trong một báo cáo, các nhà phân tích cho biết một số yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ thắt chặt và việc đồng USD tiếp tục mạnh lên có thể tạo ra những “cơn gió ngược.”

WGC đã hạ triển vọng thị trường vàng trong cả năm 2022 trong báo cáo xu hướng quý 2 công bố ngày 27/7, trong đó WGC nhận thấy nhu cầu tương đối chững lại vào cuối năm.

Báo cáo cũng chỉ ra trong quý 2/2022 nhu cầu vàng vật chất đã giảm khoảng 948 tấn (8%) so với mức của quý 3/2021. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 đạt 2.189 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021.

[Nhu cầu vàng toàn cầu giảm trong 2020 do ảnh hưởng của COVID-19]

Mặc dù nhu cầu vàng có thể giảm trong nửa cuối năm 2022, song WGC không cho rằng thị trường sẽ lao dốc. Các nhà phân tích nói rằng có đủ các yếu tố bất ổn trên thị trường để hỗ trợ nhu cầu vàng.

Các nhà phân tích cho biết mặc dù lạm phát có thể bắt đầu giảm vào nửa cuối năm, nhưng tình hình cung ứng trên nhiều thị trường hàng hóa vẫn còn bấp bênh và không thể loại trừ khả năng xuất hiện những đợt tăng giá đột biến mới.

Nhìn vào xu hướng về nhu cầu trong quý 2/2022, WGC cho rằng phần lớn điểm yếu có thể bắt nguồn từ nhu cầu suy yếu của các nhà đầu tư. Báo cáo cho biết tổng nhu cầu đầu tư giảm 28% trong quý 2/2022.

Các nhà phân tích cho biết những lo ngại về lạm phát đã hỗ trợ dòng vốn đầu tư vào vàng như là một “kênh đầu tư an toàn.” Nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ và đồng USD tăng mạnh có thể sẽ là yếu tố chính khiến dòng tiền chảy ra khỏi vàng.

Cùng với nhu cầu đầu tư yếu, báo cáo cho hay nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương đang trên đà suy yếu. Các ngân hàng trung ương đã mua 180 tấn vàng trong quý 2/2022, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, WGC hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vàng, ngay cả khi tốc độ chậm lại trong suốt thời gian còn lại của năm.

Một lĩnh vực thế mạnh trên thị trường vàng đến từ nhu cầu trang sức. Báo cáo cho biết nhu cầu đồ trang sức toàn cầu tăng lên 453,2 tấn, tăng 4% so với năm 2021. Nhu cầu đồ trang sức của Ấn Độ thống trị thị trường toàn cầu với mức tăng 49% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, việc Trung Quốc duy trì những chính sách chống COVID-19 tiếp tục đè nặng lên thị trường, với nhu cầu trang sức giảm 29% so với năm ngoái.

Mặc dù tiêu dùng đồ trang sức toàn cầu đã phục hồi sau đợt suy giảm tồi tệ nhất do dịch COVID-19 năm 2020, song chưa lấy lại được mức trung bình hàng quý, khoảng 550 tấn so với trước khi dịch xảy ra.

Trong tương lai, WGC nhận thấy những thách thức lớn hơn đối với hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà phân tích cho biết nhu cầu đồ trang sức ở Ấn Độ sẽ chậm hơn.

Báo cáo cũng lưu ý khi nhu cầu giảm, nguồn cung đã tăng lên. Tổng cung vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm, tăng 5%. Sản lượng khai thác của các mỏ cũng đã tăng 4% trong quý 2 lên 911,70 tấn. Ngoài ra hoạt động tái chế mạnh mẽ trên thị trường vàng cũng tăng 8% trong quý 2/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục