Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/6 cho biết, đến nay tổng cộng 691 người đã bị thiệt mạng và 4.012 người khác bị thương trong các cuộc chiến ở bên trong và quanh thủ đô Tripoli của Libya.
Trên mạng xã hội Twitter, WHO nêu rõ: "Số người thiệt mạng trong cuộc xung đột vũ trang ở Tripoli của Libya đã lên đến 691, bao gồm 41 dân thường, và 4.012 người khác đã bị thương, trong đó có 135 thường dân."
Quân đội miền Đông do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, đã tiến hành một chiến dịch từ đầu tháng 4 nhằm chiếm Tripoli, nơi đang có chính quyền được Liên hợp quốc ủng hộ.
Hôm 16/6/ vừa qua, ông Fayez al-Serraj - Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được cộng đồng quốc tế công nhận, đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử và bầu cử tổng thống trước cuối năm nay để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này.
Thủ tướng al-Serraj đã đề xuất sáng kiến nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng và kêu gọi người dân Libya ủng hộ.
[Libya: Thủ tướng GNA Fayez al-Serraj kêu gọi tổ chức bầu cử sớm]
Sáng kiến này dựa trên việc phối hợp với phái bộ Liên hợp quốc tại Libya để tổ chức một hội nghị quốc gia, nhằm tập hợp mọi lực lượng chính trị và đại diện nhân dân ở mọi khu vực đất nước.
Hội nghị sẽ đề ra một lộ trình cho giai đoạn sắp tới và thống nhất việc thiết lập một cơ sở hiến pháp để tổ chức bầu cử, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ủng hộ và công nhận các kết quả đạt được.
Ngoài ra, Thủ tướng al-Serraj cũng đề cập đến việc thành lập một “cơ quan hoà giải dân tộc cấp cao.”
Tuy nhiên, Thủ tướng al-Serraj cũng cho biết ông không sẵn sàng đàm phán với Tướng Khalifa Haftar - Tư lệnh lực lượng quân đội miền Đông (GLA) nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli suốt hai tháng qua. Tuyên bố này đã phần nào hạ thấp khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn sớm tại Libya.
Từ đầu tháng 4, lấy danh nghĩa chống khủng bố và truy quét phiến quân, GLA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Tripoli, nơi đặt trụ sở chính quyền GNA.
Sau một số thắng lợi ban đầu, GLA hiện có biểu hiện sa lầy do vướng phải sự kháng cự từ các lực lượng thân GNA. Dư luận lo ngại về nguy cơ một cuộc nội chiến mới cũng như một thảm hoạ nhân đạo sẽ xảy ra ở quốc gia Bắc Phi này./.