Ngày 29/7, trang chủ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã có bài viết đánh giá về mô hình của công ty Kymviet Space (Không gian Kym Việt), cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng thủ công do những người khuyết tật sáng lập để tạo việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Sau phần giới thiệu về quá trình hình thành của công ty Kymviet, WIPO đã đề cập vấn đề đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.
Kymviet mới chỉ đăng ký tại Việt Nam, tập trung vào tăng cường cho thương hiệu và danh tiếng ở trong nước.
Dù vậy, hiện công ty đã sẵn sàng hướng đến thị trường nước ngoài và có mong muốn trong 5 năm tới sẽ mở rộng sang thị trường châu Âu, qua đó nâng tầm quốc tế cho thương hiệu.
Theo bài viết của WIPO, Kymviet cũng có ý định tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam và mở một trung tâm dạy nghề chuyên nghiệp cho họ, trong khi liên tục thúc đẩy quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới.
WIPO tiết lộ đang cử một chuyên gia làm việc với Kymviet để nâng tầm quốc tế cho thương hiệu và các sản phẩm khác của công ty, hỗ trợ quá trình mở rộng các mục tiêu kinh doanh của cơ sở này.
[Việt Nam hợp tác với WIPO phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ]
WIPO dẫn lời ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kymviet, khẳng định: “Mọi người mua sản phẩm của chúng tôi không chỉ vì họ muốn đóng góp cho hoạt động từ thiện, mà còn vì đó là những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.”
Trong bài viết, WIPO đã nêu rõ “ba trụ cột” trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của Kymviet. Đầu tiên là sản xuất các mặt hàng thủ công, từ đồ chơi cho tới các đồ thời trang.
Các sản phẩm này được bày bán tại nhiều cửa hàng lưu niệm ở Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty cũng sản xuất quà tặng doanh nghiệp và quà tặng khuyến mãi.
Trụ cột thứ 2 của Kymviet là kinh doanh cửa hàng càphê.
Các nhân viên mới có thể lựa chọn giữa hai hình thức đào tạo nghề, đó là tham gia sản xuất đồ thủ công hoặc điều hành quán càphê. Điều này tùy thuộc vào nguyện vọng và năng lực của mỗi người.
Trụ cột thứ ba là giáo dục, vốn được ông Phạm Việt Hoài hết sức coi trọng. Theo ông, giáo dục liên quan đến việc giới thiệu nghề cho nhân viên.
Học sinh, sinh viên hay khách du lịch được mời tới và chia sẻ các câu chuyện với nhân viên của KymViet, họ học cả ngôn ngữ và tham gia làm sản phẩm thủ công tại cửa hàng càphê.
Ông Phạm Việt Hoài cho biết Việt Nam có hơn 2,5 triệu người khiếm thính và Kymviet đang tập trung cho cộng đồng này, với hầu hết nhân viên là người khiếm thính.
Ông khẳng định sứ mệnh của Kymviet là cung cấp cơ hội việc làm cũng như trao cho họ thêm động lực để hoàn thành các giấc mơ của mình./.