Thật khó có thể hình dung nổi Pedra do Sal đã như thế nào hơn bốn thế kỷ về trước, khi những người di cư từ Bahia, miền đông bắc Brazil đến nơi này, và từ đó, điệu samba đưa Brazil đến với thế giới đã ra đời vào thế kỷ 19.
Nhưng ở cái quảng trường nhỏ xíu và tối nào cũng đông nghẹt người ở gần trung tâm Rio ấy, samba ngự trị một cách kiêu hãnh trong câu hát của những nghệ sỹ đường phố, trong những bước chân nhún nhảy của các cô gái và cả tiếng bia chảy tràn.
Người cựu quân nhân chỉ tay vào mắt và nhắc đi nhắc lại rằng, phải hết sức cẩn thận khi đi qua những con ngõ nhỏ hẹp, những đường phố tối tăm ở khu trung tâm Rio. Không yên tâm, anh nhờ một người đàn ông tốt bụng đưa tôi đi thêm một đoạn nữa.
Viên công chức đi làm về muộn ấy là một người hay chuyện. Ông bảo, đến Rio de Janeiro mà chưa nghe samba là chưa đến Rio. Nhưng nghe samba thích nhất không phải là đến những quán nhạc 10 giờ đêm mới mở ở khu Lapa, bây giờ được coi là một vương quốc samba trong lòng Rio sầm uất và ầm ỹ, mà phải đến nơi tôi đang tới, Preda do Sal.
Chỉ có điều, an ninh rất tệ và không có ánh đèn chớp chớp nhấp nhoáng của xe cảnh sát trên con đường từ ga tàu điện ngầm Uruguaiana đến đó cho một hành trình cuốc bộ chừng 1 cây số, nên ông muốn đi cùng tôi một đoạn. Thế đấy, để đến với sự lãng mạn, đôi khi ta phải đi trên những con đường thực tế tối tăm và hiểm nguy đợi chờ.
Pedra do Sal chỉ là một khoảng không gian hẹp và tối, bị kẹp giữa hai cầu thang gạch cũ kỹ từ các khu dân cư của trung tâm Rio de Janeiro đổ xuống nơi đó. Ở giữa quảng trường, một người nghệ sỹ đang hát những giai điệu đầy xúc cảm và vui vẻ của một bản samba được ưa thích đã tồn tại từ gần một thế kỷ.
Anh chỉ là một nghệ sỹ không tên tuổi, không phải là Joao de Baixana (người đã được đặt tên cho con phố dẫn đến Preda do Sal), không phải Pinxinquinha, những người thổi sáo cho samba, những người đã đi vào lịch sử âm nhạc đất nước này, nhưng anh hát say đắm lắm, mắt lim dim và người đu đưa.
Anh hát bản “Samba de fato” của Patricio Texeira trong sự tán thưởng của những người có mặt ở đó, hầu hết là thanh niên ham vui và khách du lịch. Sau đó anh hát tiếp một bài của Mario Reis, “Agora é Cinza,” bản samba nổi tiếng đã ra đời từ những năm 1930, kỷ nguyên vàng của dòng nhạc đã đưa Brazil lên bản đồ âm nhạc của thế giới với những giai điệu khêu gợi khiến người ta phải phô bày cơ thể bằng những động tác nhún nhảy cả chân, tay, vai, ngực, hông, mông và đôi mắt nhìn.
Quảng trường nhỏ trở thành một sân khấu ngoài trời những điệu nhún nhảy của đám thanh niên đứng chật quảng trường hoặc trên hai cầu thang hẹp dẫn xuống đó, hầu như ai cũng tay cầm chai bia, mắt nhìn đầy phấn khích. Có một đôi đang hôn nhau say đắm trên một góc cầu thang.
Tình yêu lứa đôi là thế, không thể cưỡng được trong một không khí đậm chất samba, trong thoang thoảng mùi thịt nướng của món “churrasco” truyền thống lẫn phảng phất mùi khai của dãy nhà vệ sinh di động được dựng ngay ngắn ở một góc quảng trường.
Khi những người da đen di cư từ vùng Bahia phía đông-bắc Brazil đến đây vào thế kỷ 17, dựng lên những ngôi nhà trên khu vực lúc ấy vẫn đầy đá và cát trắng nhuốm vị mặn của biển (Preda do Sal nghĩa là “đá muối”), có lẽ họ không thể tưởng tượng nổi thứ âm nhạc pha giữa chất bolero của Tây Ban Nha và những giai điệu của hàng triệu nô lệ da đen được đưa vào Brazil để làm việc và chết trên những đồn điền bông, cao su và cà phê ấy lại có thể trở nên đại chúng và nổi tiếng đến thế.
Giữa quảng trường này, những giai điệu samba đầu tiên đã vang lên vào đầu thế kỷ 20, từ những người Bahia chịu ảnh hưởng của văn hóa Châu Phi ấy trong phong cách sống, âm nhạc, những điệu nhảy bốc lửa của bản năng và Candomble (tôn giáo của những người nô lệ da đen ở Brazil).
Nhưng trước đó, trong khu vực nhỏ hẹp bây giờ đầy những quán bar bình dân và những quán bia vỉa hè ấy, những người lao động yêu đời ấy đã biến nơi này thành một tụ điểm văn hóa của người da đen.
Từ nửa cuối thế kỷ 19, trong một ngôi nhà lụp xụp ở gần Preda do Sal, một người phụ nữ bán kẹo và bánh ngọt có biệt danh là “Bác Ciata” đã phát triển thứ âm nhạc ấy thành samba. “Bác Ciata” đã có ảnh hưởng lớn đến samba cũng như việc thành lập các nhóm carnaval.
Nền tảng của những lễ hội đầy sexy về âm nhạc, nhảy múa và màu sắc rực rỡ ở Rio de Janeiro diễn ra tháng Hai hàng năm chính là từ samba. Bản samba được ghi đĩa đầu tiên vào năm 1917,
“Pelo Telefone” (Qua điện thoại) trên thực tế được một nhóm các nhạc sỹ viết nên sau khi nhảy múa và ca hát ở nhà của “Bác Ciata.”
Ở một đất nước mà sự đam mê bất cứ thứ gì bản năng giống như một thứ virus có tính lây lan, samba đã đi từ một khu phố nhỏ lan ra khắp Rio và đất nước, như một thể loại âm nhạc của cái gọi là “joie de vivre” (niềm vui sống). Cụm từ tiếng Pháp có vẻ quý tộc ấy thực ra lại bình dân hết sức có thể và được dùng để mô tả cuộc sống ở Rio, khi bất cứ nơi nào trong thành phố cũng trở thành bãi biển Copacabana hay Ipanema lộng gió.
Chen giữa những hiện thực tàn nhẫn của một thành phố bạo lực, với những favela (khu ổ chuột) trên những ngọn đồi nhìn xuống thành phố dưới chân tượng Chúa Cứu và những bức xúc của một xã hội đầy rẫy bất công, với khoảng cách giàu nghèo quá lớn, là một niềm vui sống đầy bản năng giữa những con người ở mọi chỗ, mọi nơi.
Vui sống bằng tâm hồn và thể xác trong những điệu nhạc là cách để người ta quên đi mọi nỗi buồn phiền trong cuộc sống. Và niềm vui sống trông có vẻ không thể cưỡng lại được ấy đã được sinh ra từ đây, trong một khu phố bình dân, nhỏ hẹp và chẳng có vẻ gì là lãng mạn này, từ những người lao động nghèo của một thuở xa xưa này.
Cuộc sống vẫn thế trôi, trong một tối vui tươi như bao tối khác ở Preda do Sal, trong những tiếng samba rậm rật từ giữa quảng trường nhỏ, tiếng mở nắp chai bia của các thanh niên đứng trên các bậc thang gần đó, lẫn trong thoang thoảng mùi “churrasco” người ta đang nướng trên các bếp than. Và cả mùi khai nồng từ những buồng vệ sinh công cộng.../.