WTO cảnh báo thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ hướng tới

WTO thừa nhận tổ chức toàn cầu này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ đang hướng tới.
WTO cảnh báo thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ hướng tới ảnh 1Dây chuyền sản xuất ôtô Ford tại một nhà máy ở Wayne, bang Michigan (Mỹ) ngày 7/1/2015. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 28/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo​ thừa nhận tổ chức toàn cầu này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ đang hướng tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi chính thức tái nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp, Tổng Giám đốc Azevedo khẳng định WTO đã phát triển mạnh hơn so với khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất năm 2013, cũng nhận định trong nhiệm kỳ sắp tới, hệ thống thương mại đa phương mà WTO xây dựng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh chính sách bảo hộ sản xuất nội địa mà bộ máy điều hành đất nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi đang gây ra nhiều quan ngại đe dọa tiến trình phát triển của WTO.

Ông Azevedo, 59 tuổi, đã được ủng hộ tuyệt đối để tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo tổ chức kinh tế gồm 164 thành viên này.

Nhiệm kỳ mới của quan chức người Brazil này cũng đánh dấu quãng thời gian khó khăn chưa từng có trong lịch sử hình thành tổ chức khi Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, thậm chí còn đe dọa rút tư cách thành viên WTO.

Người được Tổng thống Reump đề cử vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer​ cũng cho biết Washington có thể sẽ "phớt lờ" mọi quy định của WTO trong trường hợp quốc gia này xem xét các tranh chấp thương mại, đặc biệt là những phán quyết được cho là có lợi cho Trung Quốc.

Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tuân thủ một số cam kết liên quan tới thương mại mà ông đã đưa ra trước đó.

Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đã đạt được thỏa thuận dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.