WTO chính thức chấp thuận Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU

WTO cho rằng Mỹ đã chịu thiệt hại tương tương 7,5 tỷ USD/năm từ các khoản cho vay ưu đãi của chính phủ các nước châu Âu dành cho các dòng máy bay A350 và A380 của Airbus.
WTO chính thức chấp thuận Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU ảnh 1Phomát được bày bán tại một siêu thị ở Saintes, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) ngày 14/10 đã chính thức cho phép Mỹ áp thuế đối với lượng hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD liên quan chính sách trợ cấp mà khối này dành cho hãng chế tạo máy bay Airbus.

Tại cuộc họp đặc biệt diễn ra cùng ngày tại Geneva, Thụy Sĩ, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB), gồm đại diện của 164 quốc gia thành viên, đã ra quyết định cuối cùng, theo đó chấp thuận cho Washington thực hiện các biện pháp đáp trả EU và các quốc gia sản xuất máy bay Airbus gồm Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

[Quan hệ thương mại Mỹ-EU trước nguy cơ thêm rạn nứt]

Quyết định của DBS dựa trên phán quyết của tổ trọng tài WTO ngày 2/10 vừa qua, theo đó cho rằng Mỹ đã chịu thiệt hại tương tương 7,5 tỷ USD/năm từ các khoản cho vay ưu đãi của chính phủ các nước châu Âu dành cho các dòng máy bay A350 và A380 của Airbus.

Đây được coi  là dấu mốc qunn trọng trong cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài 15 năm qua giữa hai tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing (Mỹ).

Trước đó, Washington đã đề nghị được đánh thuế lên đến 100% đối với lượng hàng hóa của châu Âu tổng giá trị 11,2 tỷ USD.

Với sự nhất trí của các thành viên của DBS, các biện pháp thuế của Mỹ nhằm vào loạt hàng hóa tiêu dùng của châu Âu, trong đó có rượu vang Pháp, có thể sẽ có hiệu lực vào ngày 18/10 tới.

Giới chức EU cho biết họ đang cố gắng đối thoại với Mỹ nhằm tránh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai bên, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn cầu.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea khẳng định đàm phán sẽ chỉ diễn ra nếu EU chấm dứt những ưu đãi dành cho Airbus và cam kết không tái áp dụng chính sách này dưới bất cứ cơ chế hoặc trường hợp nào khác.

Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, EU sẽ có cơ hội áp thuế đáp trả đối với hàng hóa của Mỹ vi Brussels đã có động thái pháp lý tương tự tại WTO với cáo buộc Boeing cũng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp trái phép của Chính phủ Mỹ.

WTO cho rằng cả Airbus và Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất trên thế giới ở cấp độ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Washington được phép đánh thuế trước vì Mỹ khởi kiện trước 9 tháng.

Dự kiến, WTO sẽ đưa ra quyết định về quyền trả đũa của EU liên quan đến trợ cấp của Mỹ dành cho Boeing vào đầu năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.