WTO chưa nhất trí về Thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại

WTO thông báo 160 nước thành viên của tổ chức này đã không thể đạt được nhất trí về Thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại (TFA), bỏ lỡ thời hạn chót vào ngày 31/7.
WTO chưa nhất trí về Thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại ảnh 1(Nguồn: Aaei.org)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/8 thông báo 160 nước thành viên của tổ chức này đã không thể đạt được nhất trí về Thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại (TFA), bỏ lỡ thời hạn chót vào ngày 31/7.

Dự thảo thỏa thuận TFA, trong đó có việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, đồng thời thiết lập một ủy ban xúc tiến thương mại quốc tế để tiếp tục đẩy mạnh quá trình tinh giản bộ máy hành chính quan liêu, đã được các ngoại trưởng WTO thông qua tại hội nghị diễn ra tại Bali, Indonesia hồi tháng 12 năm ngoái và cần phải được thông qua vào cuối tháng Bảy năm nay.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, bất đồng giữa các thành viên, đặc biệt là đòi hỏi của Ấn Độ về tăng mức dự trữ nhà nước về lương thực, đã khiến mục tiêu đạt được thỏa thuận thất bại. Ấn Độ đã từ chối thông qua thỏa thuận này vì nước này không hài lòng về các đàm phán thương mại khác liên quan đến dự trữ lương thực và tiền trợ cấp nông nghiệp.

Đại sứ Mỹ tại WTO Michael Punke cho rằng việc không thông qua được thỏa thuận nói trên sẽ đẩy tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này vào sự bất ổn mới.

Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 25 quốc gia mới nổi và phát triển đã chỉ trích sự thất bại này của WTO. Trong khi đó, Mỹ cũng cảnh báo rằng sự thất bại này có thể đe dọa đến các vòng đàm phán trong tương lai về tự do thương mại toàn cầu trong khuôn khổ Vòng đàm phán Doha, do WTO khởi động từ năm 2001 và đang rơi vào bế tắc.

Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ước tính rằng nếu TFA được thông qua, sẽ giúp tiết kiệm 10-15% chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới và tăng sản lượng toàn cầu thêm 1.000 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.