Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/10 đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu của năm nay xuống còn một nửa so với mức đưa ra trước đó.
Đồng thời WTO cũng cảnh báo con số này còn có thể xuống thấp hơn nữa nếu căng thẳng thương mại leo thang, tăng trường kinh tế toàn cầu hạ nhiệt và việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) trong hỗn loạn vì không đạt được một thỏa thuận.
Trong tuyên bố, WTO cho biết họ dự kiến hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm nay, so với ước tính đưa ra hồi tháng Tư vừa qua là 2,6% và yếu hơn rất nhiều mức tăng trưởng ghi nhận hồi năm 2018 là 3%.
Sang năm 2020, con số trên dự kiến sẽ tăng lên 2,7%, nhưng vẫn giảm so với ước tính trước đó là 3%.
Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, cho biết triển vọng không mấy tươi sáng cho thương mại là điều không ai mong muốn, nhưng nó cũng không hề bất ngờ.
[WTO: Thương mại quốc tế hướng tới sự rộng mở trong dài hạn]
Ông kêu gọi các thành viên WTO nỗ lực giải quyết các bất đồng thương mại và hợp tác để cải cách tổ chức này.
Đối với thương mại nói chung, WTO đã đưa ra một phạm vi dự báo cho tăng trưởng cho hoạt động này trong năm nay từ 0,5-1,6% và cho năm 2020 là 1,7-3,7%, đồng thời lưu ý rằng giới hạn trên của các số liệu vừa nêu có thể đạt được nếu căng thẳng thương mại “hạ nhiệt.”
Nhìn chung, WTO đánh giá rủi ro đối với hoạt động thương mại toàn cầu chủ yếu bị chi phối bởi chính sách thương mại của các quốc gia.
Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào một cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua. Cả hai nước đã đánh thuế trừng phạt đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, làm xáo trộn thị trường tài chính và đe dọa tăng trưởng toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã áp thuế đối với nhiều sản phẩm từ các quốc gia khác, đặc biệt là thép và nhôm, nhằm giảm thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các số liệu của WTO đưa ra những chỉ dấu rằng ông đã thành công ở mức hạn chế.
Theo đó, số liệu của WTO cho thấy khu vực Bắc Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trong nửa đầu năm nay với 1,4%, mặc dù hoạt động nhập khẩu vào khu vực này cũng tăng mạnh hơn các nơi khác với mức 1,8%./.