Người cao tuổi có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và đóng góp nhiều kinh nghiệm của mình cho cộng đồng, gia đình và xã hội trong quá trình xây dựng đất nước.
Dù được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng điều kiện về tinh thần và vật chất của người cao tuổi trên cả nước còn nhiều khó khăn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Người cao tuổi chưa được chăm sóc đầy đủ
Theo số liệu của Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn là nông dân, làm nông nghiệp, thu nhập thấp và bấp bênh.
Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, tới 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người sức khỏe kém vẫn phải tự lao động kiếm sống hàng ngày; tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.
Theo tiến sỹ Lê Xuân Cừ (Đại học Lao động và Xã hội Hà Nội), dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y; khoảng 95% người cao tuổi bị bệnh mãn tính nhưng chỉ 60% trong số đó có thẻ bảo hiểm y tế.
[Mỗi ngày có gần 10.000 người đăng ký làm thẻ xe buýt miễn phí]
Tiến sỹ Lê Xuân Cừ cho rằng hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam còn nghèo nàn, nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước chỉ có 49/63 tỉnh có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện lão khoa; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có gần 2.000 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.
Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; một bộ phận xã hội còn quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy... cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của người cao tuổi.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền, việc bố trí kinh phí hoạt động cho các cấp hội người cao tuổi, khám chữa bệnh định kỳ đã được quy định trong Luật Người cao tuổi nhưng nhiều địa phương “quên” hẳn việc này; không dành không gian, quỹ đất cho các hoạt động văn hóa, thể thao của người cao tuổi...
Việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn cũng tạo thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết một bộ phận lớn người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống; nhiều người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm; vẫn còn người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra hết sức cần thiết.
Hiện nay đã có những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa nhưng chưa nhiều; vẫn còn những rào cản cho việc ra đời và hoạt động của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do cá nhân, tổ chức thành lập.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội trong chăm sóc người cao tuổi, theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nhà nước cần tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm từ những mô hình thực tế đã có hiệu quả; nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi, làm cơ sở đề xuất, sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp.
Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức, Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân, để giảm gánh nặng cho nhà nước và xã hội. Vì vậy, theo ông Ngọc, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm hoạt động và tổ chức các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của các nước tiên tiến.
Theo Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức, việc người cao tuổi đang sống trong các cơ sở chăm sóc phải tự chi trả kinh phí do không có bảo hiểm xã hội là một trong những khó khăn không nhỏ, nhà nước cần có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng mô hình trong tương lai...
Để chăm sóc tốt cho người cao tuổi, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Đồng thời ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, đồng bào dân tộc ít người, người di cư...
Chỉ đạo về công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhu cầu đầu tiên của người cao tuổi chính là sức khỏe. Các địa phương cần nghiên cứu, phát động phong trào rèn luyện sức khỏe, đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, đưa nội dung này vào ngày hội văn hóa các cấp; huy động hội viên người cao tuổi có trình độ tham gia phổ biến kiến thức, tuyên truyền thông tin về luật pháp, chính sách cho người dân tại trung tâm giáo dục cộng đồng; tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia các cuộc thi, giải thưởng về nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển kinh tế...
Để công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng có các hình thức khuyến khích, tôn vinh những doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người cao tuổi như giảm vé, phí tham quan di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, sử dụng phương tiện giao thông; thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, chung cư phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, ngành y tế cần có cơ chế, chính sách cũng như chương trình mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi.
Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội trong đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người cao tuổi; khuyến khích tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi, để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi./.