Ngày 25/6, tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo với chủ đề "Cần xác định các giải pháp đột phá phát triển du lịch Thái Nguyên." Đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam và các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động du lịch ngày càng có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Ngành du lịch phát triển sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.
Du lịch không những là một ngành có khả năng tạo ra nguồn thu nhập cho xã hội, mà còn là cầu nối quan trọng để phát triển mạnh các mối quan hệ giao lưu văn hóa, hữu nghị, hợp tác phát triển giữa các vùng miền, các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới và thúc đẩy sự đổi mới, phát triển, giải quyết nhiều vấn đề của xã hội.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 800 di tích các loại, trong đó có 510 di tích lịch sử, 39 di tích thắng cảnh, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuât và 233 di tích tín ngưỡng tôn giáo.
Đặc biệt, Thái Nguyên còn có một Khu di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử An toàn khu Định Hóa... Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản trong hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Thái Nguyên có tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn đưa ra một số hạn chế của ngành du lịch Thái Nguyên như công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch đã triển khai nhưng còn thiếu tính hệ thống, chưa thường xuyên. Việc kết nối tour, tuyến, hợp tác giữa các ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh trong khu vực chưa được đẩy mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch; chất lượng sản phẩm du lịch thấp. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác du lịch còn hạn chế. Việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch còn chưa tương xứng...
Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung vào các nhóm giải pháp chính nhằm phát triển du lịch Thái Nguyên từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2030. Đó là Thái Nguyên cần tập trung ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng và các điều kiện cần thiết cho các điểm du lịch đã quy hoạch.
Tỉnh cần chú trọng đầu tư xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch; đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các dịch vụ vui chơi giải trí; đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa và phát triển các lễ hội truyền thống để phục vụ du lịch.
Tỉnh cũng cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể để thu hút các nhà đầu tư vào hợp tác đầu tư phát triển du lịch; huy động sự tham gia của cộng đồng, khai thác sản phẩm du lịch bản làng văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái./.