Xác định nguyên nhân băng tan qua khảo sát Hải lưu vòng Nam Cực

Một nhóm các nhà khoa học sẽ tham gia chuyến nghiên cứu kéo dài hơn một tháng trên tàu Investigator để đánh giá vai trò của Hải lưu vòng Nam Cực đối với tình trạng tan chảy của các thềm băng.

Băng trôi tại Vịnh Chiriguano ở Nam Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Băng trôi tại Vịnh Chiriguano ở Nam Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) cho biết trong thời gian tới, các nhà khoa học Australia sẽ bắt đầu hải trình nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với dòng hải lưu mạnh nhất thế giới.

Một nhóm các nhà khoa học sẽ tham gia chuyến nghiên cứu kéo dài hơn một tháng trên tàu Investigator để đánh giá vai trò của Hải lưu vòng Nam Cực đối với tình trạng tan chảy của các thềm băng tại chính khu vực này.

Ngoài các nhà nghiên cứu thuộc CSIRO, tham gia dự án còn có các chuyên gia thuộc Sáng kiến Đối tác Chương trình Nam Cực do Chính phủ Australia tài trợ.

Hải lưu vòng Nam Cực là dòng hải lưu chảy theo chiều kim đồng hồ từ phía Tây sang Đông xung quanh lục địa, được coi là dòng hải lưu mạnh nhất trên thế giới.

Nhà khoa học trưởng của CSIRO Benoit Legresy cho biết dòng hải lưu này thường đóng vai trò ngăn nước ấm chảy đến Nam Cực và làm tan băng, song dòng nước ấm hiện nay đã đến khu vực này.

Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về những dòng xoáy và động lực mà dòng hải lưu Nam Cực tạo ra, vốn đang được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến nước ấm ngấm về phía Nam Cực.

ttxvn-bang-troi-nam-cuc-2-2762-8101.jpg
Một tảng băng trôi ở Nam Cực ngày 23/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Legresy, có tới 5 dòng xoáy dẫn nhiệt, hay còn gọi là các “điểm nóng” xung quanh hải lưu vòng Nam Cực, đóng vai trò là “cửa ngõ” truyền nhiệt về phía Nam.

Nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là truy tìm và nghiên cứu những cửa ngõ này để có lời giải cho hiện tượng nước ấm đổ về Nam Cực.

Bên cạnh đó, thông qua hải trình này, các nhà nghiên cứu cũng có cơ hội lần đầu tiên xác minh những hình ảnh chụp Nam Đại Dương do vệ tinh Surface Water and Ocean Topography (SWOT) ghi lại. Đây là vệ tinh do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA phối hợp triển khai với Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp hồi tháng 12/2022.

Ngày 24/11, tảng băng trôi lớn nhất thế giới đã tách rời khỏi Nam Cực và trên đà dịch chuyển lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ.

Với diện tích gần 4.000km2, tảng băng trôi ở Nam Cực có tên A23-a có kích thước lớn gấp 3 lần thành phố New York của Mỹ. Khi tăng tốc, tảng băng khổng lồ này có thể sẽ trôi nhanh vào Hải lưu Vòng Nam Cực. Điều này đồng nghĩa với việc tảng băng sẽ hướng về phía Nam Đại Dương, nơi có nhiều tảng băng có diện tích lớn khác đang cùng trôi nổi tự do trên vùng biển này.

Kể từ khi tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne ở Tây Nam Cực vào năm 1986, tảng băng trôi này phần lớn đã bị mắc kẹt ở phần dưới đáy biển Weddell.

ttxvn-bang-troi-nam-cuc-3-6379-3980.jpg
Vết nứt tại thềm băng Larsen C ở Nam Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, theo thời gian, A23-a đã thoát được ra ngoài. Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy tảng băng nặng khoảng 1.000 tỷ tấn đang trôi nhanh qua phía Bắc của Bán đảo Nam Cực, do lực đẩy của gió và dòng chảy mạnh.

Theo nhà nghiên cứu người Anh Oliver Marsh làm việc tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực, việc một tảng băng trôi có kích thước như thế này di chuyển là điều rất hiếm gặp, do đó các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của A23-a.

Chuyên gia này nhận định: “Theo thời gian, trọng lượng của tảng băng trôi có thể giảm đi một chút, cho phép nó nổi lên khỏi đáy đại dương và bị dòng hải lưu đẩy đi. A23a cũng là một trong số những tảng băng trôi lâu đời nhất thế giới.

Ông Marsh dự tính khả năng A23a sẽ di chuyển đến đảo Nam Georgia (một hòn đảo ở Nam Đại Tây Dương) và điều này sẽ gây ra vấn đề rắc rối cho động vật hoang dã ở Nam Cực.

Hàng triệu con hải cẩu, chim cánh cụt và chim biển sinh sản trên đảo, cũng như tìm kiếm thức ăn ở vùng biển xung quanh sẽ bị ảnh hưởng.

Khối lượng của 40% thềm băng Nam Cực đã giảm mạnh trong 25 năm qua, làm tăng nguy cơ nước biển dâng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phạm vi các thềm băng bị bào mỏng đi rộng hơn so với suy đoán trước đó, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lục địa này đang ngày càng bị tác động mạnh hơn bởi tình trạng ấm lên toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.