Phát biểu sau phiên chất vấn lĩnh vực thanh tra, chiều 5/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Về công tác thanh tra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thực hiện quy định của Luật Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra hằng năm và giao Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật và chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, cũng như những bất cập, sơ hở để kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
[Không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm để chuyển cơ quan điều tra]
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Chính phủ, ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm và thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn-kỹ thuật trên các lĩnh vực chuyên ngành như đầu tư xây dựng, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đất đai, tài chính, chứng khoán, ngân hàng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra phải quan tâm xử lý chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra; phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là tại doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, tập trung thanh tra các lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm, như việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; công tác quản lý nhà nước về xăng dầu; việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng...
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm song song với quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, trong đó, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật...
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước nhằm kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện được mục tiêu ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; phê duyệt Định hướng xác minh tài sản, thu nhập hằng năm và giao Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đánh giá trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các Bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” từ đó có giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhằm từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này, gắn việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với giáo dục đạo đức, lối sống liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; đề cao vai trò của mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng gắn với kế hoạch thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng để từ đó hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng cho giai đoạn tiếp theo; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới./.