Xăng giảm nhỏ giọt, cước vận tải và hàng hóa "bình chân như vại"

Hầu hết các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cũng như giá cước vận tải taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đều không có biến động dù giá xăng giảm nhẹ 2 lần liên tiếp.
Xăng giảm nhỏ giọt, cước vận tải và hàng hóa "bình chân như vại" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau chuỗi lần tăng giá mạnh gần đây, giá xăng đã có hai lần giảm giá nhẹ, 331 đồng/lít A92 ngày 4/7 và 260 đồng ngày 20/7, tổng mức giảm 591 đồng/lít.

Qua khảo sát tại Hà Nội, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cũng như giá cước vận tải taxi đều không có biến động.

Theo thông tin từ Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, với mức giảm giá xăng như hai lần vừa qua, không có doanh nghiệp taxi nào có ý định giảm giá cước. Bởi lẽ nếu tính tỷ lệ, mức giảm gần 600 đồng chỉ chiếm khoảng 2% giá xăng. Mức giảm này chưa đủ mạnh để tác động tới giá cước vận tải.

Bên cạnh đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho biết, sau nhiều lần điều chỉnh tăng giá xăng mạnh, ngày 11/3 tăng 1.610 đồng/lít, ngày 5/5 tăng 1.950 đồng/lít, ngày 20/5 tăng 1.200 đồng/lít, doanh nghiệp mới tăng giá cước taxi 500-1.000 đồng/km.

So với những lần tăng giá xăng mạnh như vậy, thì tổng hai lần giảm là chưa đáng kể.

 

Theo thống kê, tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã trải qua 12 lần điều chỉnh, trong đó, với 4 lần tăng mạnh và 5 lần giảm nhẹ, giá xăng đã cộng thêm khoảng hơn 2.200 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel lại giảm khoảng 2.300 đồng/lít.

Cũng theo ông Liên, với biến động giá dầu thế giới như hiện nay, nhiều khả năng xăng trong nước sẽ tiếp tục có những đợt giảm giá. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc mức giảm của giá xăng trong những kỳ tới, nếu đủ mạnh, sẽ tiến hành điều chỉnh giá cước.

Nếu giá xăng dầu không biến động quá lớn, hầu hết các doanh nghiệp vận tải taxi phía Bắc vẫn sẽ giữ nguyên mức cước như hiện nay. Bởi lẽ, chi phí để thực hiện điều chỉnh cước đối với các doanh nghiệp cũng không hề nhỏ.

Đại diện doanh nghiệp phía Bắc, Chủ tịch Công ty taxi Hương Lúa Đinh Văn Sáu cho hay giá xăng chiếm khoảng 40% trong cấu thành giá cước. Ở những lần tăng giá xăng mạnh trước đó, doanh nghiệp cũng không tăng cước.

Mức giảm giá xăng dầu 591 đồng/lít như vừa qua đã giúp doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng chi phí hơn. Tuy nhiên, mức giảm như trên là rất nhỏ, và doanh nghiệp không có ý định điều chỉnh cước.

Hiện cước taxi của hãng là 10.200 đồng cho 20km đầu tiên, từ km thứ 21 trở đi, cước sẽ là 9.000 đồng.

Về giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, qua khảo sát tại các chợ Hôm, chợ Mơ... vào ngày 21/7, giá cả các loại thực phẩm vẫn không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu tháng Bảy.

Cụ thể, giá thịt bò vẫn ở mức từ 220.000-240.000 đồng/kg, giá gà ta từ 120.000-140.000 đồng/kg, đùi gà 70.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000-110.000 đồng/kg. Giá trứng vịt vẫn giữ ở mức 30.000 đồng/chục, trứng gà ở mức 32.000 đồng/chục.

Rau cải xanh ở mức 5.000 đồng/mớ, cải ngọt 7.500 đồng/mớ, rau ngót khoảng 3.000 đồng/bó, rau muống 16.000 đồng/mớ, cà chua 13.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg....

Chị Nguyễn Thu Thủy, bán rau tại chợ Mơ (Hà Nội) cho biết giá các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng hàng và nhu cầu tiêu dùng. Giá xăng giảm nhẹ như vậy sẽ không có tác động tới giá cả tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng với mức giảm giá xăng như vậy, chắc chắn các mặt hàng tiêu dùng không giảm giá. Muốn giảm giá hàng tiêu dùng, vấn đề ở khâu phân phối trung gian hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Giá thịt lợn hơi tại thị trường Hà Nội nhiều tháng giữ ở mức 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán tại chợ vẫn khoảng 100.000 đồng/kg.

Vì vậy, phải làm tốt khâu phân phối, trong đó cần phải giảm bớt các kênh phân phối trung gian. Doanh nghiệp sản xuất và cung ứng phải cùng nhau liên kết để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tốt nhất, rẻ nhất có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục