Xây dựng bản đồ nông sản hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

Bộ Công Thương triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ.
Xây dựng bản đồ nông sản hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ảnh 1Nhiều sản phẩm nông sản được kết nối, tiêu thụ tại các siêu thị . (Ảnh: TTXVN)

Việc hình thành bản đồ nông sản Việt Nam sẽ là thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương và thông qua môi trường mạng hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức, chiều 30/3, tại Hà Nội.

Nâng cao năng lực cho bà con nông dân

Trong thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, việc thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục nóng lên.

Để giảm thiểu tình trạng này, cùng với việc đẩy mạnh cung cấp thông tin tới người nông dân, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cúc Xúc tiến thương mại, cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả phía trong nước và nước ngoài.

[Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước]

Cùng với đó, hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản đã được Bộ Công Thương triển khai, như hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị.

Đáng chú ý, vừa qua, Bộ Công Thương triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản.

“Bộ cũng hỗ trợ nhằm đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho quy trình nuôi trồng và chăm bón, đồng thời Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam và hiện tại, đang trong quá trình triển khai,” ông Hoàng Văn Chiến cho hay.

Cùng các giải pháp trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, một trong những biện pháp hiệu quả hiệu quả trong thời gian vừa qua đó là đưa ứng dụng số, thương mại điện tử, bán hàng online để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Việc hỗ trợ được thực hiện thông qua kết nối với nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử “khổng lồ” như: Amazon, Global Selling… mà Bộ Công Thương đã ký hợp tác. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc với Alibaba nhằm kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm.

“Riêng họ có 300 triệu khách hàng trên thế giới, nếu chúng ta chỉ cần đưa một vài mặt hàng nào đó đưa lên trên hệ thống của họ, thì tác dụng rất lớn, trong khi chi phí khiêm tốn,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đẩy mạnh xuất khẩu theo chính ngạch

Thực tế cho thấy, với nhiều giải pháp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, việc ùn ứ hàng nông sản tại cửa khẩu biên giới phía Bắc đã được cải thiện.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại thời điểm này số lượng xe hàng còn nằm ở khu vực biên giới đã giảm đi rất nhiều. 

Cùng với các giải pháp chung thì một mặt do các doanh nghiệp nhận thức được cần thay đổi phương thức vận chuyển, phương thức giao hàng hóa.

Xây dựng bản đồ nông sản hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy vậy, để có những giải pháp căn cơ hơn đối với mặt hàng này, ông Trần Thanh Hải cho biết Bộ Công Thương đã dự thảo và trình Thủ tướng Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Song song đó, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ là thành viên.

Ngoài ra, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.

Cũng theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, liên bộ Công Thương-Giao thông Vận tải đã hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, trong đó bên cạnh đường bộ thì tận dụng các phương thức khác như đường sắt, đường biển.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng. Trong đó,  Bộ đã biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.

“Bộ Công Thương cũng huy động hệ thống các thương vụ đẩy mạnh mở rộng các thị trường khác, ngoài Trung Quốc, EU, Mỹ là những thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực, cũng có các thương vụ ở những khu vực khác... Toàn bộ hệ thống thương vụ đã được huy động tham gia tìm kiếm, hỗ trợ giúp các địa phương, doanh nghiệp kết nối,” ông Trần Thanh Hải cho hay.

Trước đó, trong sáng 30/3, Bộ Công Thương cũng đã khai trương Cổng thông tin cơ sở dữ liệu về thương mại. Đây cũng là một việc giúp cho thông tin về hoạt động thương mại nói chung, trong đó có thương mại nông sản có thể thuận lợi hơn, giúp cho các doanh nghiệp, địa phương tìm kiếm thông tin liên quan về các hoạt động xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu nông sản.

“Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp, trao đổi với các hiệp hội, địa phương có những hướng dẫn cụ thể hơn để chúng ta phát huy tối đa hiệu quả của công tác thương mại nói chung, trong đó có thương mại nông sản nói riêng,” ông Trần Thanh Hải cho biết thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.