Xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với cấp và quản lý mã số

Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ, chuối... là một số trong các mặt hàng nông sản đặc trưng được Hà Nội đầu tư quy hoạch vùng sản xuất an toàn, cấp mã số để quản lý chất lượng phục vụ xuất khẩu.
Xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với cấp và quản lý mã số ảnh 1Nông dân thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) thu hoạch rau cải để cung cấp cho thị trường Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như các điều kiện an toàn thực phẩm cho nông sản xuất khẩu, ngành nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp; trong đó, có việc đẩy mạnh xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với cấp và quản lý mã số.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, việc cấp mã số cho vùng sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp, từ đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Để nâng cao hiệu quả cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã xây dựng được mã số vùng trồng cho nhãn chín muộn và đang đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng cho vùng lúa hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, vùng trồng chuối tại huyện Ba Vì và khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Năm 2021, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ cấp 3 mã vùng trồng theo tiêu chuẩn OTAS (tiêu chuẩn có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng hoặc/và ngược dòng) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Cụ thể, xã Văn Khê, huyện Mê Linh có 1 vùng trồng chuối tây ven sông rộng 15ha và xã Hồng Hà huyện Đan Phượng có 1 vùng trồng chuối tây ven sông rộng 13,5ha và 1 vùng trồng chuối tiêu ven sông rộng 17,5ha.

Để xác định vùng trồng thích hợp, ngay từ đầu năm 2021, đơn vị đã triển khai rà soát các vùng trồng chuối có diện tích đủ lớn để phát triển thành vùng hàng hóa của 28 xã trên 7 huyện, lấy mẫu (đất, thân, rễ cây chuối) để phân tích nấm bệnh Panama gây nguy cơ vàng lá, rủ tầu.

Với tổng số mẫu được lấy mỗi loại là 185 mẫu đất, 185 mẫu rễ, 185 mẫu thân, đã lựa chọn được các vùng trồng chuối an toàn, ổn định gồm xã Cổ Bi, Phú Thị (huyện Gia Lâm), xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), xã Hoàng Kim, Văn Khê (huyện Mê Linh), xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), xã Thuần Mỹ, Phú Phương (huyện Ba Vì).

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, việc cấp mã vùng trồng đã mở ra cánh cửa giúp sản phẩm chuối của Hà Nội có thể dễ dàng hơn trong xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Hàng rào kỹ thuật này vốn là bước khó khăn mà trước đây còn là vấn đề hạn chế của hầu hết các vùng trồng chuối trên địa bàn. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối sẽ càng được nâng cao.

Xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với cấp và quản lý mã số ảnh 2Nông dân xã Tiền Phong, huyện Mê Linh thu hoạch hành tây để cung cấp cho thị trường. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã cấp mã số để quản lý chất lượng cho vùng nhãn chín muộn của các huyện Quốc Oai, Hoài Đức để đủ điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Ba Lan, Malaysia, Australia…, đồng thời, được Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam; Công ty Thực phẩm sạch Biggreen... ký kết hợp đồng thu mua với sản lượng hơn 100 tấn/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế, bất cập như việc kiểm tra, giám sát các vùng sản xuất, cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm chưa được chú trọng, trong khi nhiều hộ nông dân chưa quen với việc ghi chép nhật ký chăm sóc... gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc.

[Ngắm cánh đồng chuyên canh rau an toàn của nông dân huyện Mê Linh]

Bác Nguyễn Thị Na, thành viên Hợp tác xã Đại Thành, huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, để sản phẩm nhãn xuất sang thị trường Mỹ không dừng nhập khẩu, vùng trồng không bị đưa vào danh sách theo dõi nghiêm ngặt, gia đình bà phải tuân thủ nghiêm ngặt việc không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... và phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định như cam kết.

Bởi vì nếu bị phát hiện vi phạm thì lô hàng đó sẽ bị trả về và vùng trồng sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi nghiêm ngặt và tạm dừng nhập khẩu.

Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ngành nông nghiệp huyện tăng cường hướng dẫn việc đăng ký mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; đặc biệt là mã vùng trồng theo tiêu chuẩn của những thị trường nhập khẩu có yêu cầu khắt khe.

Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội như nhãn chín muộn, gạo hữu cơ, chuối... thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất an toàn, thường xuyên kiểm tra mẫu đất, mẫu nước.

Cùng với đó, hướng dẫn nông dân từ việc ghi chép nhật ký chăm sóc đến sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng phân bón, hóa chất không đúng quy định ảnh hưởng tới thương hiệu nông sản Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.