Ngày 7/8, Hội thảo định hướng xây dựng Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh chiến lược sẽ xác định các định hướng lớn, mục tiêu, giải pháp thực hiện nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực pháp lý, hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra; từng bước xây dựng ngành thanh tra và đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, hiện đại, uy tín, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính.
Ngành thanh tra sẽ trở thành công cụ thiết yếu, hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, thi hành Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ Đảng, lợi ích của Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, thời gian qua, hoạt động thanh tra đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động quản lý nhà nước, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội, phát triển kinh tế xã hội. Hàng năm, các tổ chức thanh tra nhà nước đã tiến hành hàng vạn cuộc thanh tra, phát hiện số lượng sai phạm lớn, chủ yếu là về kinh tế.
Tuy nhiên, hoạt động vẫn còn nặng về thanh tra vụ việc chứ chưa chú trọng đúng mức đến việc phát hiện, kiến nghị các vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và người đứng đầu. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù đã được các cơ quan thanh tra nhà nước cố gắng thực hiện trách nhiệm nhưng số lượng khiếu nại hành chính vẫn có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc xử lý qua nhiều cấp vẫn không dứt điểm. Trách nhiệm quản lý, chỉ đạo tổ chức quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng chưa được xác định rõ ràng, cụ thể. Công tác phát hiện tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu...
Để đạt được những mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến 2020, tầm nhìn đến 2030, các đại biểu cho rằng Thanh tra Chính phủ cần đề ra các định hướng trong việc xây dựng và phát triển ngành thanh tra như nâng cao vị trí, vai trò, thẩm quyền, tính độc lập của các cơ quan thanh tra nhà nước như một chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước; xây dựng cơ chế kết hợp, tổ chức hoạt động thanh tra và kiểm tra Đảng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cần hướng đến việc đổi mới phương thức hoạt động thanh tra; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động thanh tra; đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ngành thanh tra.../.