Xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN

Bộ tiêu chuẩn tôm ASEAN được chia ra hai bộ gồm bộ tiêu chuẩn cho việc nuôi tôm quảng canh và bộ tiêu chuẩn cho tôm công nghiệp.

Ngày 26/2, hội thảo chứng nhận tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Hội thảo do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Hội nghề Cá Việt Nam và dự án “Tối ưu hóa lợi nhuận nông nghiệp thông qua kiến thức, phát triển doanh nghiệp và thương mại” thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (ASEAN.US. MARKET) tổ chức.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, cho rằng: Các nước ASEAN hiện nay đang cung cấp 80% sản lượng tôm cho toàn thế giới trong khi các nhà sản xuất, chế biến tôm của các nước ASEAN phải thực hiện rất nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác nhau xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của các nước.

Mặc dù thị trường là của người mua nhưng các nước ASEAN đã thống nhất đưa ra một tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN.

VASEP cố gắng cùng với các cơ quan quản lý nhà nước và các nước ASEAN thực hiện bộ tiêu chuẩn chung cho tôm với những điều kiện đặc thù của các nước ASEAN và đáp ứng các yêu cầu phổ biến của các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Dũng, trong bộ tiêu chuẩn tôm ASEAN được chia ra hai bộ tiêu chuẩn gồm bộ tiêu chuẩn cho việc nuôi tôm quảng canh và bộ tiêu chuẩn cho tôm công nghiệp.

Như vậy, các nhà sản xuất, chế biến tôm ASEAN sẽ phải thực hiện một bộ tiêu chuẩn chung thay vì phải chạy theo nhiều tiêu chuẩn như hiện nay.

Đây cũng là mong mỏi rất lớn không chỉ đối với các nhà sản xuất, chế biến tôm của các nước ASEAN mà cũng là mong muốn của khách hàng các nước ASEAN trên thế giới.

Dự kiến đến năm 2015, cộng đồng chung các nước ASEAN sẽ hình thành và đi vào hoạt động. Bộ tiêu chuẩn chung tôm ASEAN sẽ được triển khai thực hiện trước khi khối cộng đồng chung ASEAN hình thành đi vào hoạt động.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Corey Peet, đại diện dự án ASEAN.US. MARKET giới thiệu về mục tiêu, phạm vi, trình tự thời gian và các bước phát triển của bản dự thảo tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN; chiến lược tiếp cận người mua, các lựa chọn phát triển hệ thống chứng nhận và các lựa chọn hỗ trợ nông dân thực hiện tiêu chuẩn đồng thời trả lời ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận về chỉnh sửa bản dự thảo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.