Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An.
Nếu như trước đây, sản phẩm dệt của đồng bào chủ yếu quanh quẩn trong các bản làng thì nay, sản phẩm của họ được kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, từng bước gắn kết du lịch với quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Bảo tồn giá trị
Bản Xiềng, xã Môn Sơn nằm cách trung tâm huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An khoảng 20km. Bản làng này được bảo tồn khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; trong đó, có nghề dệt vải thổ cẩm.
Chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Môn Sơn - người góp phần khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở bản Xiềng cho biết, sau những ngày mùa màng bận rộn, chị em lại quây quần bên nhau, cần mẫn với xa quay sợi, khung dệt tạo ra những sản phẩm hết sức độc đáo.
Thế nhưng, sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong gia đình hoặc làm quà tặng.
"Vừa đam mê vừa mong muốn giữ nghề dệt truyền thống của cha ông từ bao đời nay, các chị em đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm để mặc vào những ngày lễ hội truyền thống của đồng bào mình. Chị em cũng phấn khởi hơn bởi giờ đây nó không chỉ là khôi phục lại nghề truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống," chị Hằng cho hay.
Những năm trở lại đây, các tổ chức quốc tế và trong nước, chính quyền địa phương hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống; hướng dẫn cách tạo mẫu sản phẩm, tập huấn kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, giới thiệu ẩm thực địa phương và trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống phục vụ du khách.
[Bảo tồn, phát huy giá trị thổ cẩm truyền thống của dân tộc Bahnar]
Nghề dệt dần được khôi phục. Bản thân chị Hà Thị Hằng cũng được địa phương cử đi tập huấn tại các thành phố lớn, hướng dẫn cách tiếp cận thị trường, nâng cao vị thế và thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào.
Chị Hà Thị Hằng bày tỏ thêm: "Ngoài bảo tồn trang phục truyền thống, chị em trong Hợp tác xã còn đa dạng hóa sản phẩm làm nên những chiếc túi, khăn, váy, áo, khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm với nhiều hoa văn và màu sắc khác nhau phục vụ thị hiếu người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thực tế, các sản phẩm của chị em Hợp tác xã sản xuất không chỉ phục vụ khách đến tham quan và lựa chọn mua còn gửi đi các thành phố lớn theo đơn đặt hàng của khách."
Vừa qua, hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Môn Sơn được Ủy ban Nhân dân huyện Con Cuông hỗ trợ kinh phí xây dựng gian trưng bày sản phẩm của chị em trong hợp tác xã.
Tại đây, phụ nữ Thái có thể tham gia dệt tại chỗ, trình diễn sản phẩm du lịch cộng đồng, các sản phẩm đều được niêm yết giá và du khách có thể tham gia vào quá trình dệt vải. Đây cũng vừa là điểm bán hàng và kết nối khách hàng; hướng dẫn chị em thực hành trên các mẫu thiết kế mới.
Không chỉ tại bản Xiềng ở xã Môn Sơn, việc xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai hiệu quả.
Mô hình chuỗi giá trị dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng tại bản Phảy Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, thông qua hợp tác xã làm cầu nối, sản phẩm của đồng bào được thị trường biết đến và có đơn đặt hàng ổn định.
Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, một số hộ gia đình dân tộc Thái trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã tìm tòi, sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Những đường nét hoa văn trên các sản phẩm thể hiện sự khéo léo, kỳ công, tỉ mỉ chứa đựng sự kiên trì tinh tế mang vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Thái với các họa tiết, hoa văn sinh động.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chị Vi Thị Đình ở bản Phảy Thái Minh, xã Tiên Kỳ huyện Tân Kỳ luôn cần mẫn với nghề.
Những tấm vải thổ cẩm được chị khéo léo dệt thành những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình như váy, áo, khăn, đệm ngồi, chăn, gối, khăn trải bàn...
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, sản phẩm thổ cẩm của chị Đình còn được nhiều homestay và khách du lịch biết đến với tính đa dạng và màu sắc bắt mắt, tiện dụng.
Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng tại Tiên Kỳ, các mặt hàng dệt thổ cẩm tại các thôn, bản ở đây từ chỗ chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nay đã và đang phát triển mạnh, dần trở thành sản phẩm thương mại gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, huyện miền núi Tân Kỳ, có sức hút kỳ lạ đối với các du khách tham quan và nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch.
Nhằm bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tân Kỳ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An phối hợp với huyện Tân Kỳ tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc phục vụ phát triển du lịch cho các hộ gia đình làm du lịch công đồng ở Tân Kỳ.
"Qua những lần tập huấn giúp chúng tôi đã thay đổi nhận thức, tiếp cận những mẫu thiết kế mà khi tạo ra sản phẩm thì sản phẩm đó vừa có thể bán được cho cả người địa phương và cả du khách. Có như vậy, sản phẩm chúng tôi sẽ trở nên có giá trị hơn và đặc biệt hơn," chị Vi Thị Đình nói.
Gắn với phát triển du lịch cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Kỳ khẳng định, huyện Tân Kỳ luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; trong đó, có nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng; từ đó tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận dệt thổ cẩm thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện nghề dệt thổ cẩm đang phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc huyện Tân Kỳ nói chung, dân tộc Thái, Thổ nói riêng.
Để bà con có vốn sản xuất, nhiều địa phương cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn để mua nguyên liệu đầu tư.
Đặc biệt, chính quyền cũng vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra tổ chức thành lập các tổ sản xuất, các hợp tác xã để tiến tới chuyên nghiệp hóa nghề dệt, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Riêng huyện Con Cuông đã thành lập được nhiều Tổ hợp tác, Hợp tác xã dệt thổ cẩm ở các bản làng trong xã. Bước đầu các Tổ hợp tác, Hợp tác xã dệt thổ cẩm này đã hoạt động có hiệu quả và tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều lao động của địa phương.
"Thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường là những yếu tố quyết định trong xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm. Bởi vậy, điều quan trọng mà địa phương hướng tới là sự sáng tạo, đa dạng các mẫu mã sản phẩm mới, tập huấn kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, giới thiệu ẩm thực địa phương và trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống.
Đây là hướng đi mà huyện hướng tới, vừa khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm vừa quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch địa phương," ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Con Cuông khẳng định.
Thời gian tới để phát triển chuỗi giá trị cho thổ cẩm, Sở Công Thương Nghệ An đề nghị các địa phương cần xác định thị trường sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường; có cơ chế chính sách phù hợp và làm tốt công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân; có sự tham gia của doanh nghiệp, đây sẽ là cầu nối giữa Hợp tác xã và thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tạo sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ; có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư./.