Xây dựng Đảng: Phòng chống tham nhũng phải nói đi đôi với làm

Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến những động thái mới của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng với cảm nhận cuộc chiến chống “nội xâm” đang bước vào giai đoạn quyết liệt.
Xây dựng Đảng: Phòng chống tham nhũng phải nói đi đôi với làm ảnh 1Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương làm việc tại Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến những động thái mới của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng với cảm nhận cuộc chiến chống “nội xâm” đang bước vào giai đoạn quyết liệt.

Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội.

Còn với người dân, điều cảm nhận rất rõ là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã không dừng ở nghị quyết, văn bản hay những vụ án điểm… mà đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, có kết quả cụ thể, quan trọng.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã và đang được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; xử lý kỷ luật cả cán bộ cao cấp, dù đương chức hay nghỉ hưu.

Các cơ quan chức năng cũng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nghi vấn về tham nhũng, kể cả các lĩnh vực được cho là nhạy cảm; đặc biệt đã kiểm tra, kết luận các sai phạm, tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Tỉnh ủy Bình Định, Đồng Nai...

Đồng thời đã và đang tiếp tục thanh tra, kiểm toán 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn mà dư luận xã hội quan tâm; tiến hành thanh tra toàn diện dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG)…

Những sự việc gần đây như Kết luận về những sai phạm, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng ở Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam ​Bộ giai đoạn 2011-2016, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 cùng các cá nhân là cán bộ chủ chốt; Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với đồng chí Hồ Thị Kim Thoa… không những thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, chứng tỏ nói đi đôi với làm mà còn cho thấy quyết tâm cao của Đảng, cũng là mong muốn của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

[Phiên họp thứ 12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng]

Đấu tranh phòng chống tham nhũng suy cho cùng cũng là một cuộc cách mạng trong nội bộ để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy Nhà nước… không thể không quyết liệt, nhất là khi tham nhũng đã hình thành ở "một bộ phận không nhỏ" có “lợi ích nhóm.”

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước đây trong một lần tiếp xúc cử tri đã từng nói, đại ý, cán bộ tham nhũng như con sâu làm rầu nồi canh, một con sâu đã là nguy hiểm, một bầy sâu thì nguy hiểm đến mức nào.

Còn người nông dân thì hiểu rõ điều này, muốn cho cây trồng tươi tốt thì phải nhổ bỏ cỏ dại. Nhưng nếu nhổ cỏ mà chỉ bứt cái lá, cái ngọn, còn cái gốc vẫn nằm sâu dưới đất thì rồi cỏ dại sẽ lại mọc lên, thậm chí còn mạnh hơn trước.

Nói về sự trong sạch, liêm chính của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.”

Do đó, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng, trước hết phải chỉ được mặt, vạch được tên những cá nhân cụ thể và xử lý đúng người đúng tội; bước tiếp theo phải thu hồi được tài sản tham nhũng và điều quan trọng, sâu xa là phải tìm được nguyên nhân, tìm ra gốc rễ của tham nhũng để khắc phục và xử lý triệt để.

Việc phát hiện, xử lý một “con sâu” tham nhũng đã khó, việc lôi ra ánh sáng và xử lý “một bầy sâu” càng khó hơn nhưng chúng ta đã làm được và bước đầu làm tốt.

Vấn đề quan trọng là cần tạo được sự chuyển biến đồng bộ từ trong Đảng đến xã hội, từ Trung ương đến địa phương như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không còn là lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, không ai có thể đứng ngoài cuộc và cá nhân nào muốn không làm cũng không được.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang bước vào giai đoạn quyết liệt, trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Hơn lúc nào hết, cần sự thống nhất về cả ý chí và hành động, sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị để tạo thành làn sóng cách mạng, đưa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đến thành công, xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục