Cô Tô sẽ thành trung tâm hậu cần nghề cá

Xây dựng đảo Cô Tô trở thành trung tâm hậu cần nghề cá

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tập trung đầu tư để sớm đưa huyện đảo này trở thành trung tâm hậu cần nghề cá ở vịnh Bắc Bộ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Cô Tô, Quảng Ninh, ngày 22/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô tập trung đổi mới, đầu tư để sớm đưa huyện đảo này trở thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực vịnh Bắc Bộ.

Chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu to lớn mà chính quyền và nhân dân Cô Tô qua 20 năm xây dựng và phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong thời gian tới, huyện đảo Cô Tô cần tiếp tục đổi mới và phát huy truyền thống, năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hoá đất nước, xây dựng huyện đảo phát triển nhanh, bền vững, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, sớm đưa huyện đảo Cô Tô trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho cả khu vực vịnh Bắc Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh quy hoạch phát triển tổng thể huyện Cô Tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đồng thời tranh thủ các nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, tăng cường công tác quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cấp cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ dân ra đảo đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Cô Tô cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp chống biến đổi khí hậu trên huyện đảo, phục vụ cho sự phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế-xã hội với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý huyện Cô Tô tiếp tục kiện toàn nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tăng cường đoàn kết nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế biển.

Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô cho biết: Kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Cô Tô là dịp để ôn lại và tự hào về những thành tích vẻ vang đã đạt được trong 20 năm qua.

Từ một huyện nghèo khi mới thành lập (1994), hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu thốn, lạc hậu, đời sống nhân dân nhiều khó khăn. Sau 20 năm, quốc phòng-an ninh trên vùng biển đảo Cô Tô luôn được đảm bảo, kinh tế-xã hội của huyện phát triển nhanh chóng.

Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức độ cao, từ 12 đến 15% một năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 400 USD năm 2000 lên 900 USD năm 2010 và 1.200 USD năm 2013.

Ngành kinh tế mũi nhọn của huyện là thủy sản với sản lượng khai thác trung bình hàng năm đều đạt từ 10.000 đến 15.000 tấn. Dịch vụ, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, năm 2013, huyện đón gần 6 vạn lượt khách du lịch.

Từ một huyện nghèo, đến nay Cô Tô đã có sự thay đổi rõ rệt về hạ tầng, về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Cô Tô đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo, bêtông hóa 100% các tuyến đường xuyên đảo, đường liên thôn, ngõ xóm; xây dựng các cầu cảng, nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền; nâng cấp, xây mới hơn chục hồ nước trên đảo, trong đó có một số hồ cung cấp nước sạch sinh hoạt; thi công trên 30km đường ống dẫn nước sạch đến các khu dân cư; đã có 95% hộ dân trên các đảo của Cô Tô được sử dụng nước máy.

Đặc biệt, cuối năm 2013, Cô Tô cũng đã hoàn thành ba mục tiêu lớn: Về đích chương trình xây dựng nông thôn mới; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; cơ bản không còn hộ nghèo. Lễ khánh thành dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô năm 2013 là một sự kiện trọng đại, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện đảo.

Huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo Nghị định số 28/CP ngày 23/3/1994 của Chính phủ, trên cơ sở tách 2 xã Cô Tô và Thanh Lân của huyện Cẩm Phả (cũ) nay là huyện Vân Đồn. Huyện Cô Tô có trên 50 hòn đảo lớn, nhỏ tạo thành quần đảo Cô Tô, trong đó có 3 đảo lớn là Cô Tô, Thanh Lân, đảo Trần. Huyện đảo là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em: Kinh, Sán dìu, Mường, Tày, Hoa.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.