Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2045, đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại ngang tầm với các trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 16/8 phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Mục tiêu là xây dựng đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước; chú trọng phát triển hợp lý về quy mô của từng lĩnh vực, tập trung vào khai thác hải sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu cần nghề cá; là trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khấn cấp, cứu nạn trên biển nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Về mục tiêu cụ thể, Phú Quý đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn (của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có tàu cá hoạt động trên ngư trường vùng biển Bình Thuận và các khu vực biển lân cận); đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thực hiện công tác cứu nạn trên vùng biển tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh lân cận.

Theo mục tiêu đề ra, đảm bảo năng lực tập kết, bốc dỡ, phân loại, trung chuyển và dịch vụ tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thông qua cảng cá đạt khoảng 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tối đa tổn thất sản phẩm sau khai thác, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị thủy sản khai thác.

ttxvn_dao phu quy 3.jpg
Bờ kè Tam Thanh ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đầu tư nâng cấp, phát triển cảng cá Phú Quý kết hợp tránh trú bão cho tàu cá trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển), thương mại nghề cá của khu vực và quốc gia; hỗ trợ hiệu quả cho nuôi biển, các tàu cá trong và ngoài tỉnh hoạt động trên ngư trường vùng biển Bình Thuận và các khu vực biển lân cận; cải thiện căn bản điều kiện hạ tầng dịch vụ nghề cá trên đảo phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, nâng cao đời sống của ngư dân trên đảo...

Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển

Đến năm 2045, đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn trên biển; phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại ngang tầm với các trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực và trên thế giới; tích hợp, gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác, nuôi biển; nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác, nuôi trồng và vận tải trên biển; bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

ttxvn_dao phu quy 1.jpg
Tàu Cảnh sát biển 6008 lai dắt tàu cá gặp nạn về đảo Phú Quý. (Ảnh: TTXVN phát)

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể, để xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, Đề án tiếp tục đầu tư, hoàn hiện khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại đảo Phú Quý; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực cho cảng cá đảo Phú Quý; kiểm soát các hoạt động khai thác IUU; tổ chức sản xuất trên biển. Để xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, Đề án đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ xã hội.

Đồng thời, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ cứu nạn theo quy định cho Trạm tìm kiếm cứu nạn trên đảo Phú Quý trở thành trung tâm cấp vùng; trang bị phương tiện cấp cứu, vật tư, thiết bị cấp cứu, hệ thống thông tin liên lạc; phối hợp kịp thời cấp cứu, vận chuyển ngư dân bị nạn trên biển... để xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.