Để tiếp tục xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, Cụm đô thị đồng bằng sông Hồng sẽ tập trung vào công tác đầu tư phát triển không gian công cộng trong đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt..
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị Cụm đô thị đồng bằng sông Hồng năm 2019 với chủ đề "Xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường," do Hiệp hội các Đô thị Việt Nam vừa tổ chức tại Ninh Bình.
Tại hội nghị Phó Chủ tịch Hiệp hội các Đô thị Việt Nam Nguyễn Văn Sửu đánh giá, thời gian qua, cơ sở hạ tầng, bộ mặt các đô thị trong cụm đã từng bước sáng hơn, xanh hơn, đẹp hơn.
Để tiếp tục xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, ông Nguyễn Văn Sửu đề nghị, trong thời gian tới, các đô thị thành viên cần căn cứ vào mục tiêu phát triển đô thị của địa phương để xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể về việc xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp của từng địa phương.
[Lễ công bố quyết định công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại 1]
Các đại biểu tham dự hội nghị dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường; công tác phát triển hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; giải pháp xây dựng trung tâm giám sát điều hành và kênh tuyên truyền hướng tới xây dựng đô thị thông minh.
Các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng đô thị xanh-đô thị thông minh, như nguồn kinh phí cho việc quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa; công tác giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án giao thông đô thị, xây dựng khu dân cư đô thị mới hoặc hạ tầng xã hội gặp nhiều khó khăn…
Cụm đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 15 đô thị như thành phố Hà Nội; Hải Phòng; Nam Định (tỉnh Nam Định); Hải Dương, Chí Linh (tỉnh Hải Dương); Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên); Vĩnh Yên, Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh); Phủ Lý (tỉnh Hà Nam); Thái Bình (tỉnh Thái Bình); Ninh Bình, Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) và các thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội), Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh).
Thời gian qua, các đô thị trong Cụm đô thị Đồng bằng sông Hồng đã tranh thủ mọi nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông, điện chiếu sáng, sinh hoạt, cấp thoát nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hệ thống chiếu sáng công cộng được duy trì với tỷ lệ chiếu sáng đạt từ 85-99% đường phố; hệ thống cung cấp nước sạch được mở rộng, nhiều thành phố trong cụm đã đạt tỷ lệ 100% người dân được dùng nước sạch.
Các đô thị trong cụm cũng cơ bản thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong ngày và lập được đề án phát triển cây xanh với mật độ cây xanh duy trì ở mức 7m2/người, điển hình là thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã phát động và trồng 50.000 cây xanh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, các đô thị đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp hướng tới xây dựng đô thị thông minh, từ đó ý thức của người dân đã có nhiều chuyển biến…/.