Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiều đại biểu dự Đại hội đã bày tỏ tâm huyết của mình về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới.
Ý kiến thống nhất cao là cần tập trung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) trong công tác xây dựng Đảng có hai nội dung cần tập trung đổi mới đó là công tác cán bộ và tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhiệm kỳ vừa qua, công tác cán bộ đã từng bước được chấn chỉnh, tuy nhiên theo đại biểu đánh giá thì việc thực hiện vẫn chưa đạt được yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng mong rằng sau Đại hội lần này, công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ để chuẩn bị cho đội ngũ lãnh đạo phải làm bài bản hơn để chọn được những người thực sự có tài, có tâm lãnh đạo đất nước. Đối với việc tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, đại biểu đánh giá đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên thời gian vừa qua vẫn chưa thực sự chuyển biến. Cụ thể là hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều chủ trương, nghị quyết chưa đi vào cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng đề nghị cần áp dụng phương pháp quản trị hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Đại biểu Nguyễn Hữu Lậm (Nghệ An) nhấn mạnh đạo đức là gốc của người cán bộ. Như lời Bác Hồ nói: "Có đức mà không có tài, làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức là người vô dụng." Trong điều kiện hiện nay, khi Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, do vậy công tác xây dựng Đảng càng có ý nghĩa cấp thiết.
Đại biểu Nguyễn Hữu Lậm đề nghị cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở vì đây là những người gần dân nhất, gắn bó với dân, trực tiếp triển khai đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y (Hà Tĩnh), chủ đề của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và dự thảo các Văn kiện trình Đại hội cho thấy xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó đánh giá kết quả, thành tích đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đồng thời chỉ ra được những vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục, đề ra những giải pháp hữu hiệu, cụ thể để công tác xây dựng Đảng đi vào chiều sâu; quan tâm công tác tư tưởng, công tác cán bộ, cũng như những vấn đề định hướng phát triển của Đảng trong điều kiện đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Nhận định xây dựng Đảng là công việc thường xuyên, liên tục của các cấp bộ đảng, đại biểu Lê Hoàng Phụng (Lâm Đồng) nhấn mạnh cần tập trung xây dựng Đảng trên các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của mỗi tổ chức cơ sở đảng, cũng như tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của 5 năm tới, xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà toàn Đảng phải thực hiện. Đó là những yêu cầu có tính quyết định trong quá trình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Hoàng Phụng (Lâm Đồng) nêu rõ trọng tâm phải là vấn đề tư tưởng, tạo được sự thống nhất trong toàn Đảng về mục tiêu, phương hướng mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đặt ra để chúng ta thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh - là một trong những yêu cầu vừa thường xuyên, vừa cấp bách của quá trình phát triển.
Mặt khác phải tiếp tục thực hiện xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, để từ đó có một lực lượng kế thừa qua các thời kỳ, đủ năng lực lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phải tiếp tục thực hiện thống nhất trong toàn Đảng để đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân để Đảng luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo.
Theo đại biểu, trong công tác xây dựng Đảng, phải đặt mục tiêu đẩy lùi những biểu hiện về suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý; đồng thời thực hiện tốt việc quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý theo yêu cầu dân chủ, đúng quy trình, phát huy và tìm kiếm các nhân tố mới để bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Việc phân định thẩm quyền các cấp, các ngành một cách rõ ràng hơn cũng là một bước đổi mới tổ chức, phương thức lãnh đạo của Đảng./.