Sáng 12/10, phiên họp thứ 2 của Hội đồng luật sư toàn quốc nhiệm kỳ hai đã khai mạc để thảo luận việc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ hai và Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Thường trực Liên đoàn phối hợp với Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội giới thiệu 100 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương, được các cơ quan ghi nhận, đánh giá cao.
Sau khi kết thúc đợt 1, Liên đoàn sẽ phối hợp rút kinh nghiệm với Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng thời, 22 luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cũng tham gia rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, bảo hiểm y tế theo yêu cầu của Hội đồng tư vấn thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ nghiệm thu, báo cáo kết quả.
Theo kế hoạch, Liên đoàn luật sư sẽ phấn đấu thực hiện thành công Chiến lược phát triển nghề luật sư theo Quyết định 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng với số lượng luật sư đến năm 2020 là 18.000 đến 20.0000 luật sư, hình thành được đội ngũ luật sư có khả năng tư vấn và tranh tụng quốc tế.
Xây dựng cơ chế và các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ hiệu quả quyền hành nghề của luật sư kết hợp với giám sát đạo đức nghề nghiệp luật sư, xử lý, uốn nắn các vi phạm để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ và kiên quyết loại bỏ các luật sư vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp...
Tại phiên họp, Hội đồng luật sư toàn quốc đã ngheo báo cáo về Đề án thành lập Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam được Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam phê duyệt.
Theo Đề án, Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam được thành lập với mục tiêu tập hợp, phát triển trí tuệ và nguồn lực của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp lý và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh để xây dựng được hình ảnh, uy tín của luật sư đối với cộng đồng xã hội, giới luật sư cần chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp.
Luật sư cần tích cực đóng góp vào việc hoàn thiện các đạo luật liên quan đến hoạt động luật sư, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động luật sư theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Đặc biệt, với những hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận quốc tế khác, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đặt ra nhiều thách thức, cơ hội cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như các vấn đề pháp lý cần các luật sư đón nhận để luật sư Việt Nam không bị mất thị trường pháp lý trong nước trước các đồng nghiệp nước ngoài./.