Ngày 3/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Viettel IDC & Akamai Technologies tổ chức hội thảo, tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xây dựng, bảo mật nền tảng điện toán đám mây - Cơ sở hạ tầng quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.”
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tìm ra những giải pháp xây dựng hạ tầng số phù hợp để chuyển đổi số thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong những năm gần đây, điện toán đám mây đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp máy tính; thay đổi cơ bản cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, cơ cấu vận hành cũng như việc lưu trữ, phân phối và xử lý thông tin...
Tại Việt Nam, điện toán đám mây là một trong các trọng tâm của chiến lược hạ tầng số bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số platform thiết yếu hay hệ thống đường truyền Internet cáp quang.
Theo ông Phòng, hạ tầng số phát triển là bệ phóng cho chuyển đổi số nhằm thúc đẩy kinh tế số đóng góp 20% GDP toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025.
Để thích ứng được với bối cảnh mới, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các giải pháp xây dựng hạ tầng số an toàn, bảo mật để chuyển đổi mô hình kinh doanh thích ứng với điều kiện khó khăn hiện tại.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Sự kiện nằm trong chuỗi nhiều chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Đó là xây dựng hạ tầng số an toàn, bảo mật thông tin, góp phần thúc đẩy phát triển chuyển đổi số của Việt Nam.
Sự kiện đồng thời nâng cao vai trò của doanh nghiệp với các định hướng phát triển công nghệ thông tin-truyền thông theo xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của đất nước.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận về các chủ đề: Quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng điện toán đám mây và dữ liệu lớn nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp; những giải pháp thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong điện toán đám mây hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, yêu cầu phát triển chung của quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông đến năm 2030 là hạ tầng viễn thông cơ bản hoàn thành chuyển sang hạ tầng số.
[Phát triển nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công]
Thiết lập hạ tầng số phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước. Hạ tầng IoT hình thành hiện đại, thông minh tích hợp trong hạ tầng số. Hạ tầng bưu chính tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị thương mại điện tử và logistic giúp người dân làm giàu, thoát nghèo.
Công nghiệp công nghệ thông tin phát triển mạnh theo hướng công nghiệp dữ liệu lớn; hình thành các vùng động lực kinh tế mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình độc đáo, giải quyết tốt bài toán trong nước, vươn ra thị trường thế giới.
Cùng đó, xây dựng, phát triển các hệ thống kỹ thuật, nền tảng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm toàn không gian mạng quốc gia; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Theo ông Tuấn, phương án phát triển an toàn an ninh mạng hiện nay cần tập trung giám sát không gian mạng. Theo đó bao gồm hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử; nền tảng giám sát nội dung thông tin trên không gian mạng; hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an toàn an ninh mạng quốc gia; nền tảng phục vụ mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố an toàn an ninh mạng; nền tảng hỗ trợ ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác.
Để phòng vệ cho không gian mạng phải tập trung phát triển nền tảng điều hành; chỉ huy an toàn không gian mạng, nền tảng phổ cập dịch vụ an toàn thông tin cơ bản, nền tảng tuyên truyền.
Cùng đó, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng; hệ thống thao trường; nền tảng đào tạo, sát hạch trực; nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hệ thống gán nhãn tín hiệu mạng cho website của các cơ quan tổ chức…
Việc kiểm soát và định hướng thông tin cũng cần hoàn thiện các cơ chế chính sách giám soát, kiểm soát thông tin tiêu cực; gỡ bỏ tài liệu xấu độc; bác bỏ thông tin sai lệch của nước ngoài. Bên cạnh đó, làm chủ và phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng lực hệ thống kiểm định và hỗ trợ phát triển sản phẩm...
Các diễn giả và chuyên gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel IDC, Akamai Technologies cũng đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tham dự sự kiện và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức để dẫn đầu trong kỷ nguyên số./.