Xây dựng lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh

Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, để phục hồi trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của thành phố cần phải được hỗ trợ bởi sự song hành của cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa.
Xây dựng lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 16/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo với chủ đề “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025.”

Sự kiện nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, đại diện lãnh đạo thành phố để đánh giá, nhận định xu hướng tác động tiêu cực, tích cực của dịch bệnh đối với kinh tế của thành phố cũng như cả nước, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện sát và hiệu quả hơn. 

“Sốc tiêu cực”

Nhận định về mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Trường Đại học Kinh tế-Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, làn sóng COVID-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu.

Nếu tăng trưởng diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2021 ở tất cả các ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 5,46%, tăng gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2020 thì đến tháng 7/2021 đã ghi nhận sự "tổn thương" nghiêm trọng nhất ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Theo Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Công Gia Khánh, tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8/2021 khi doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường.

Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7/2021, nghiêm trọng nhất ở sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, dệt, sản xuất da.

Tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách căng thẳng, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp và dịch vụ. Trong 5,46% tăng trưởng GRDP của 6 tháng đầu năm 2021 có 3,66% đến từ dịch vụ.

Xuất nhập khẩu giảm mạnh từng ngày. Chỉ sau 2 tuần đầu của tháng 8, doanh số xuất khẩu đã giảm đến 24,2%, nhập khẩu giảm 11,7%, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 3.860 tỷ đồng, chỉ còn bằng với 2/3 so với 2 tuần cuối tháng 7/2021.

[Đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thích ứng an toàn với dịch]

Trong khi đó, doanh nghiệp đang kiệt quệ tài chính khi chỉ có 1.790 doanh nghiệp trong số gần 289.000  doanh nghiệp tại thành phố duy trì được hoạt động trong thời gian giãn cách.

Số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách (từ tháng 5/2021-9/2021) là hơn 1 triệu người, chiếm 41,2% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Xây dựng lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh ảnh 2Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Giãn cách thời gian dài đã “bẻ gãy” liên kết kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp mà còn gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian.

Nguyên liệu thiếu hụt và tăng giá cùng với sự gia tăng tiền lương, chi phí sản xuất để tuân thủ yêu cầu 5K, phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp trong thời gian dài đã làm suy kiệt năng lực tài chính của doanh nghiệp.

“Các tổn thất này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Mức độ tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp, do đó cơ hội việc làm sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn,” Phó Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Công Gia Khánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright cho rằng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá. Những diễn biến trên khiến giá hàng nhập khẩu trong nước gia tăng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chịu chi phí vận tải cao, ít nhất là cho đến giữa 2022.

Về cân đối kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn ở trạng thái hỗ trợ, nhưng không thể bơm thêm tiền hay hạ thêm lãi suất. Gói hỗ trợ kinh tế phải đến nhiều hơn từ phía tài khóa.

“Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương là trung tâm công nghiệp, chế biến, chế tạo lớn nhất của cả nước, tập trung nhiều khu công nghiệp nhất nhưng phải ngưng sản xuất hoặc phải áp dụng '3 tại chỗ,' '1 cung đường 2 điểm đến." Trong khi đó, xây dựng là ngành kinh tế rất quan trọng nhưng giảm mạnh với tốc độ giảm 11,4% trong quý 3/2021 do chính sách giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế cũng khiến một loạt công trình xây dựng phải tạm ngưng,” ông Nguyễn Xuân Thành nêu ý kiến.

Xác định động lực tăng trưởng

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, chưa bao giờ thành phố gặp khó khăn, chịu tác động nặng nề như dịch COVID-19. Đến nay, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, thành phố phải tiến hành song song 2 nhiệm vụ là vừa phòng chống dịch, vừa tính toán, có kế hoạch lộ trình phục hồi kinh tế-xã hội.

“Trước tác động của đại dịch COVID-19, làm thế nào để tiếp tục thực hiện được các mục tiêu nói trên, phấn đấu đạt kết quả cao nhất hoặc có điều chỉnh cần thiết, nhằm tận dụng thời cơ mới, tạo động lực mới cho thành phố. Dự kiến trong tháng 10 này, thành phố sẽ hoàn thành dự thảo chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố thông qua trong kỳ họp cuối năm 2021,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Xây dựng lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh ảnh 3Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Bàn giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, có 5 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của thành phố gồm 4 nhóm công nghiệp chủ lực; trong đó, tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngành du lịch và thương mại.

Trước mắt, thành phố cần phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường. Về dài hạn cần thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, với "sức khỏe" của doanh nghiệp hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường, thì rất khó khăn và có nguy cơ suy sụp, không “đứng dậy” được. Do đó, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” thông qua chức năng quản lý Nhà nước. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều sử dụng “gói hỗ trợ tài chính” và chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 khi kinh tế tăng trưởng âm gần 25% trong quý III/2021 và âm gần 5% trong 9 tháng năm 2021.Với vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP, gần 30% ngân sách quốc gia và là trung tâm kinh tế gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nên việc thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả nước chứ không riêng gì của thành phố,” Tiến sỹ Trần Du Lịch chia sẻ.

Về giải pháp tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư, được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Công Gia Khánh cũng khuyến nghị sử dụng 6 nguồn lực kiến tạo ngân sách cho thành phố gồm: nguồn tái phân bổ chi ngân sách, kiến nghị ngân sách Trung ương cấp bổ sung ngân sách; ngân sách Trung ương phát hành trái phiếu, chuyển nguồn cho Thành phố Hồ Chí Minh; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố; chuyển nhượng tài sản công và thành phố phát hành trái phiếu đô thị.

“Tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Vì thế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc, nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần vượt qua một thách thứ trong tiến trình phục hồi kinh tế như việc chậm ban hành chính sách, tính thiếu nhất quán và đồng bộ của chính sách, vượt qua sức ỳ tâm lý và áp lực tuân thủ điều kiện an toàn, khả năng thích nghi, chấp nhận mô mình mới, cấu trúc mới cũng như sớm giải quyết các bất cập về thống kê, dự báo,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Công Gia Khánh nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright, với việc Thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa dần dần từ đầu tháng 10/2021 theo Chỉ thị 18 của UBND Thành phố và Nghị quyết 128 của Chính phủ, dự kiến kinh tế quý 4/2021 sẽ có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất-kinh doanh sẽ không thể thực hiện ngay trong tháng 10/2021 mà chỉ bắt đầu từ tháng 11/2021.

Để phục hồi trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của thành phố cần phải được hỗ trợ bởi sự song hành của cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa. Cụ thể, các chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào; chính sách tài khóa tạo kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025. Chuyên gia đề xuất.

“Nếu tiêm đủ vaccine trên cả nước vào trước Tết Nguyên đán  2022, thì tất cả các hoạt động kinh tế trong nước cần được mở lại ngay sau Tết và cũng bắt đầu luôn lộ trình mở cửa quốc tế. Khi có độ phủ vaccine cả hai liều trên 80% dân số, tỷ lệ người nhiễm chuyển nặng và tỷ lệ tử vong được kiểm soát ở mức thấp thì chính sách cần theo hướng các hoạt động kinh tế (trừ những dịch vụ có mức độ tiếp xúc trực tiếp nhiều người cao) sẽ không đóng lại. Với chính sách mở cửa này cộng với gói hỗ trợ phía tài khóa thì kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%,” Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành phân tích.

"Hiến kế" cho thành phố, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vào lúc này nếu không kịp thời có các giải pháp hữu hiệu thì toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh hàng hóa không có cơ hội phục hồi hoặc phục hồi chậm chạp, tác động làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế của hộ gia đình, tỉnh thành và quốc gia. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có những giải pháp phục hồi nhanh chóng và hiệu quả.

Các nhóm giải pháp có thể áp dụng gồm giải tiêm vaccine, loại bỏ sự “cát cứ” địa phương trong chính sách chống dịch bệnh, từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy, cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp; trong đó thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm thuế, miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp một cách hợp lý đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh - Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài đề xuất.

Về dài hạn, thành phố cần có chính sách chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội cho công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát triển đa cực vành đai công nghiệp thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nội vùng; tăng cường hàm lượng công nghệ hiện đại và tăng tỷ lệ lao động trình độ cao ở các nhà máy sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.