Chiều 9/11, Hội thảo Quốc tế lần thứ 10 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực,” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức tại Đà Nẵng, đã kết thúc tốt đẹp.
Sau hai ngày làm việc tích cực trong không khí cởi mở, hữu nghị, thẳng thắn và thực chất, 36 bài phát biểu đã được trình bày cùng với hơn 200 lượt thảo luận, trao đổi sôi nổi.
Ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã cùng đánh giá hiện trạng tình hình Biển Đông trong thời gian qua, từ đó kiến nghị nhiều giải pháp về xây dựng lòng tin, kiểm soát và giải quyết từng bước tranh chấp để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Nhiều học giả cho rằng việc các nước gia tăng xây dựng lực lượng và quân sự hóa Biển Đông là nguy cơ bất ổn lớn nhất hiện nay và đang diễn ra nhanh chóng, không chỉ bởi sự gia tăng hiện diện các lực lượng trên mặt biển, mà cả dưới đáy biển và trên không.
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc mở rộng triển khai các cơ sở lưỡng dụng dưới danh nghĩa các công trình dân sự, như đài khí tượng ở Biển Đông.
[Bộ Ngoại giao: Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam]
Các chuyên gia pháp lý tại Hội thảo nhấn mạnh các quy định của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm cấm việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế.
Một số vấn đề mới nổi có thể ảnh hưởng tới an ninh và trật tự tại Biển Đông cũng được hội thảo phân tích. Việc các phương tiện không người lái được sử dụng ngày càng nhiều đang làm dấy lên các tranh cãi pháp lý mới. Việc thiếu vắng các chuẩn mực quốc tế trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây xung đột trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cạnh tranh tài nguyên biển, như nguồn cá và khai thác tài nguyên dầu khí là một nhân tố gây bất ổn và ảnh hưởng tới trật tự trong khu vực.
Bàn về giải pháp xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông thời gian tới, nhiều học giả cho rằng, các bên tranh chấp cần xem lại yêu sách của mình, từ bỏ các yêu sách thái quá, không phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; từ đó thu hẹp tranh chấp, tiến tới từng bước giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Các học giả ghi nhận trong thời gian qua, các bên đã nỗ lực đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tuy nhiên cảnh báo tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ mất nhiều thời gian.
Nhiều đại biểu từ các nước ngoài khu vực mong muốn ASEAN và Trung Quốc tăng cường minh bạch tiến trình đàm phán, tôn trọng lợi ích hợp pháp của các nước ngoài khu vực.
Bên cạnh Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nhiều học giả cho rằng các nước ASEAN có thể chủ động đề xuất các sáng kiến xây dựng các quy tắc ứng xử khác ở Biển Đông, như quy tắc ứng xử phòng chống va chạm không mong muốn ở trên không, hoặc chuẩn mực xử lý vấn đề rác thải nhựa ra biển.
Trước việc một số nước có cách diễn giải khác nhau về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không nhất trí và tuân thủ Phán quyết của Tòa trọng tài, một số học giả gợi ý ASEAN chủ trì việc mời các nước lớn đối thoại để thống nhất cách giải thích và áp dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển tại Biển Đông, như các quy định liên quan đến quyền tự do hàng hải.
Phát biểu trong Phiên bế mạc, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao những chia sẻ đóng góp tích cực từ các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo.
Sau 10 năm tổ chức, hội thảo đã chứng tỏ tầm quan trọng, thể hiện tính lan tỏa trong tăng cường nhận thức vấn đề Biển Đông. Ngoài đa số các điểm đã đạt được đồng thuận, việc còn tồn tại những khác biệt trong đánh giá càng cho thấy yêu cầu tiếp tục chuỗi Hội thảo quốc tế trong những năm tới.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng đánh giá sau 10 năm, các học giả đã có thể thảo luận với niềm tin lớn hơn về một hệ thống dựa trên luật lệ; nhiều khía cạnh pháp lý đã trở nên rõ ràng hơn, các học giả có nhận thức chung rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ.
Trong hai ngày 8-9/11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 đã diễn ra sôi nổi, tích cực với nhiều đề xuất nội dung thảo luận mới, thể hiện nỗ lực đóng góp của giới học giả trong và ngoài nước đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông./.