Xây dựng Móng Cái thành cực tăng trưởng kinh tế năng động

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành đô thị hiện đại; là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới.
Xây dựng Móng Cái thành cực tăng trưởng kinh tế năng động ảnh 1Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phù hợp với chiến lược phát triển biển Việt Nam.

Đây là nội dung chính của Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã thông qua tại kỳ họp thứ 20 vào cuối tháng 10 vừa qua.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành đô thị hiện đại; là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới, thể thao. Đồng thời, hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phát triển trên cơ sở 2 vùng động lực là thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà; phát triển đô thị, dịch vụ gắn với hành lang quốc lộ 18, đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái; tạo mặt bằng thuận lợi cho phát triển công nghiệp và dịch vụ logictics, với phát triển thương mại cửa khẩu và dịch vụ du lịch.

Khu vực ven biển và đảo phát triển các khu đô thị, khu du lịch, khu nông nghiệp công nghệ cao và các dự án sinh thái trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái tại khu vực, phát triển hài hòa gắn kết với đặc điểm tự nhiên.

[Thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh]

Khu vực đồi núi phía Bắc Quốc lộ 18 đến biên giới phát triển hệ sinh thái đồi rừng để bảo vệ nguồn nước, chuyển đổi hoạt động trồng rừng sản xuất sang trồng cây lâu năm kết hợp phát triển các trang trại nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch.

Khu vực vành đai biên giới phát triển chuỗi dịch vụ, hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, du lịch và nâng cao điều kiện sống của người dân.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được phân chia làm 5 khu. Bao gồm, khu A - Đô thị Móng Cái có diện tích đất tự nhiên khoảng 15.480 ha, phát triển công nghiệp, dịch vụ logictis theo trục Móng Cái-Vạn Ninh; du lịch, dịch vụ theo trục Móng Cái-Trà Cổ-Bình Ngọc.

Khu B - Khu vực Hải Hà, có diện tích đất tự nhiên khoảng 12.128ha, sẽ phát triển khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, đô thị dịch vụ công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ logictics.

Khu C - Khu đô thị dịch vụ tích hợp có diện tích đất tự nhiên khoảng 5.300ha sẽ trở thành trung tâm hành chính, dịch vụ công cộng tích hợp; Khu công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logictics và đô thị mới.

Khu D - Khu vực du lịch biển đảo có diện tích đất tự nhiên khoảng 4.610ha phát triển khu du lịch biển đảo sinh thái. Phát triển 2 khu vực đảo Vĩnh Trung- Vĩnh Thực và đảo Cái Chiên trở thành 2 khu du lịch biển đảo cao cấp, với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác tối ưu tiềm năng lợi thế của 2 đảo sinh thái hiện có tại khu vực.

Dự kiến sẽ bố trí khoảng 200ha đất đô thị, 800ha đất dịch vụ du lịch và các quỹ đất phát triển công viên chuyên đề để phát triển các dịch vụ du lịch.

Khu E - Dịch vụ thương mại vùng biên và phát triển nông thôn có diện tích đất tự nhiên khoảng 23.320ha. Hình thành các trung tâm thương mại-dịch vụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; điều chỉnh bổ sung các khu vực phát triển trang trại nông nghiệp công nghệ cao.

Khu F - Khu vực phát triển mở rộng có diện tích đất tự nhiên khoảng 33.755ha. Đây sẽ là trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và các dịch vụ logictics, nông lâm nghiệp sinh thái.

Cụ thể, quy hoạch phát triển khu vực đô thị phía Nam cao tốc Vân Đồn-Móng Cái và phát triển nông nghiệp công nghệ cao phía Bắc cao tốc; quy hoạch gắn với đô thị Quảng Hà mở rộng trở thành khu vực đô thị công nghiệp dịch vụ đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.

Bố trí quỹ đất khoảng 1.500-2.000ha để xây dựng phát triển các khu cụm công nghiệp tập trung, dịch vụ thương mại gắn với nút giao cao tốc và đất phát triển đô thị.

Dự kiến, giai đoạn 2020-2030, Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển hệ thống hạ tầng khung, thu hút đầu tư các dự án chiến lược cho khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Giai đoạn 2030-2040 sẽ phát triển đồng bộ các dự án gắn với quy hoạch như dự án về thương mại, du lịch, công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.