Xây dựng nông thôn mới: Chưa tận dụng được sức mạnh toàn dân

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực chất là một cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới bằng chính bàn tay của mình.
Xây dựng nông thôn mới: Chưa tận dụng được sức mạnh toàn dân ảnh 1Huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phấn đấu có 2 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới trong năm 2015. (Ảnh: TTXVN)

Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tại nhiều địa phương vẫn còn gặp bế tắc như chưa huy động được sự tham gia của toàn dân. Trong khi đó, nội dung, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, khiến một số bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại, coi việc xây dựng nông thôn mới chủ yếu là do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.

Thực tế này đã gây ảnh hưởng đến việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển đời sống văn hóa ở khu dân cư và xóa đói giảm nghèo tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi.

Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội thảo đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trọng tâm là góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 25/6, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hưởng ứng tích cực phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” lồng ghép các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào nội dung các cuộc vận động, tạo sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã thể hiện quyết tâm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo cơ sở cho việc thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động một cách toàn diện.

Tuy nhiên, “do tham gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian ngắn, chưa kịp tổng kết, rút kinh nghiệm, nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa phát huy được vai trò chưa chủ trì phối hợp với thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để huy động được sức mạnh toàn dân  tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới,” ông Kim nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực chất là một cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới bằng chính bàn tay của mình.

“Cần phải xác định xây dựng nông thôn mới là sự khích lệ sáng tạo của người dân, tự đứng lên với sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng cuộc sống thời bình tốt đẹp hơn. Do vậy, đây không phải là dự án Nhà nước rót vốn, nhân dân dân làm dự án để tiêu tiền hỗ trợ, hay ỉ lại,” Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới hiệu quả là phải nâng cao nhận thức, văn hóa, tư tưởng chính trị cho người dân, chứ không phải chỉ là xây đường, trường, trạm, hay ngôi nhà đẹp. Do vậy, thành viên mặt trận tại các cấp địa phương cần phải có phương hướng điều chỉnh, nắm bắt sức mạnh của người dân.

“Thực tế đã cho thấy, ở nơi nào làm công tốt vận động nhân dân, có sự vào cuộc quyết liệt của các mặt trận đoàn thể thì ở đó công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả hơn. Đơn cử như ở Nghệ An, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân còn hiến đất làm đường, vận hành quản lý nhà cộng đồng rất hiệu quả,” Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ.

Nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng tiêu chí, mục tiêu, lộ trình cụ thể.

Cùng với đó, các cấp địa phương cũng cần tích cực vận động nguồn lực; xây dựng Đề án Trung tâm hoạt động cộng đồng để người dân có thể giao lưu văn hóa, chia sẻ công việc để vận hành từng con đường, khu dân cư, hướng tới xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục