Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Nhiều đại biểu đã đề xuất cần tăng cường nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nông thôn, góp phần hỗ trợ người dân ở khu vực này vượt qua những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh để ổn định đời sống, tăng thu nhập một cách bền vững và đóng góp xây dựng quê hương.
Rà soát, tránh chồng chéo trong thực hiện giữa các chương trình mục tiêu quốc gia
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhằm tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, nâng cao và bền vững, với phương châm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, cần rà soát lại các dự án thuộc các chương trình khác để tránh chồng chéo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bởi theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai trên địa bàn nông thôn của cả nước, tức là đã bao gồm cả địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi, vùng ven biển và hải đảo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và gồm các xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi, biên giới, xã an toàn khu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào tộc thiểu số và miền núi.
“Mỗi chương trình mục tiêu quốc gia đều có mục tiêu riêng khác nhau, nên cần rà soát các dự án để tránh chồng chéo hoặc không bao phủ hết các địa bàn có nhiều chương trình mục tiêu cùng thực hiện. Đối với địa bàn có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau cùng thực hiện, cần xác định rõ nhiệm vụ của từng chương trình, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót để bảo đảm các mục tiêu đề ra,” đại biểu nêu ý kiến.
[Phát triển nông thôn mới theo hướng bền vững, kết hợp chuyển đổi số]
Vấn đề hạn chế tối đa sự trùng lắp cũng được đại biểu Trần Văn Tiến lưu ý cả trong việc xác định đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nông dân, người dân sinh sống tại địa bàn khu vực nông thôn, cũng có thể nằm trong những đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, là người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế dễ bị tổn thương...
Như vậy, người nông dân, người dân sinh sống tại khu vực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cần cân nhắc để hưởng một chính sách cao nhất, tránh tình trạng hưởng nhiều chính sách cùng một mục tiêu.
Đánh giá cao những kết quả toàn diện sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình như chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí một số địa phương còn thiếu bền vững, tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó.
Ở nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp còn phân tán, hiệu quả chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường... Đại biểu nhấn mạnh, đây là những nội dung cần được Chính phủ quan tâm hơn trong quá trình tổ chức thực hiện giai đoạn tới, vì mục tiêu cao nhất của việc xây dựng nông thôn mới là xây dựng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống, để thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân phải được nâng lên.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Chính phủ sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, cần có quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình, trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các khu vực miền núi và những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, thiên tai.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần quan tâm đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, nông thôn.
Song song với đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư cho phát triển sản xuất phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân nông thôn một cách bền vững, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp của quê hương mình.
Duy trì bền vững các thành quả
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững và ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; tạo tiền đề hiện thực hóa khát vọng hùng cường, hạnh phúc của dân tộc.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), trong điều kiện khó khăn, thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết và phải được đặc biệt quan tâm hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy.
Đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021- 2025 với 11 nội dung bao quát tổng thể và 6 đề án chuyên đề trọng tâm, toàn diện, cũng như đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết phải tiếp tục ban hành Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Thị Lan khẳng định, 10 năm qua, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả không thể phủ nhận, làm thay đổi diện mạo, bộ mặt nông thôn trên cả nước, “là một luồng gió mới làm biến chuyển nhận thức trên diện rộng về xây dựng nông thôn văn minh.”
Để liên tục đổi mới, phát huy hiệu quả của Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, tổng kết, đánh giá để khắc phục những điểm còn tồn tại; kế thừa và điều chỉnh cho phù hợp trong điều kiện thực tiễn, thách thức mới, bối cảnh mới.
Tham gia ý kiến về vấn đề huy động nguồn lực vốn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị Chính phủ cân đối, bổ sung thêm nguồn lực cho các gói hỗ trợ ở khu vực này để có thể khôi phục sản xuất, giúp người dân vượt qua khó khăn.
Đại biểu nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn là khu vực đông dân cư, nhưng lại dễ bị tổn thương, do đó, rất cần sự quan tâm thích đáng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Chưa kể, đây cũng là khu vực liên tục bị tổn hại do thiên tai, bão, lũ và các dịch bệnh khác trên cây trồng và vật nuôi.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị, cần tăng cường phân cấp và có giám sát, hậu kiểm tốt hơn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh cách tổ chức xây dựng nông thôn mới, cũng như điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, song cũng đảm bảo phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường và quy hoạch chung.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng thu nhập bền vững cho người dân ở vùng nông thôn, đại biểu lưu ý: “Cách tổ chức thực hiện nông thôn mới cần chú trọng đến vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, tăng chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân, tăng thu nhập cho người dân, chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô, sản lượng và số lượng như hiện nay. Cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn; xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn linh hoạt hơn, cập nhật hơn; trang bị các kiến thức về thị trường, hội nhập quốc tế và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có những chương trình hiệu quả, thiết thực hơn cho cán bộ địa phương và người dân có thể học đi đôi với hành, học từ các mô hình cụ thể.”
Để góp phần tăng thu nhập cho người dân, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề xuất cần có thêm cơ chế, chính sách thực sự đổi mới về vấn đề đất đai, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ quan nghiên cứu khoa học, để cùng các địa phương đồng hành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả; tăng cường hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) khẳng định những kết quả quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới những năm qua đã cho thấy tính đúng đắn của Chương trình này. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành quả đó là việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn và phát huy vai trò, sức mạnh của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.
“Vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp là hết sức quan trọng trong định hướng chỉ đạo, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện phải xác định người dân ở địa bàn nông thôn là trung tâm, là chủ thể, để người dân không chỉ đồng tình ủng hộ, mà còn tích cực đóng góp sức lực, nguồn lực vào chương trình, quyết tâm vươn lên, thay đổi, cải thiện cuộc sống, thay đổi diện mạo của quê hương mình,” đại biểu nhấn mạnh.
Cùng với những kết quả đạt được, theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, vẫn còn không ít những thách thức đặt ra không chỉ riêng đối với những địa phương, vùng, miền còn nhiều khó khăn, mà ngay cả với những nơi đã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là làm sao duy trì được thành quả đã đạt được một cách bền vững, từ đó phát triển và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể kéo dài, sẽ tác động và gây nhiều hệ lụy đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là đời sống của người dân khu vực nông thôn. Nắm giữ vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, song nông nghiệp, nông thôn cũng là khu vực rất dễ chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có những giải pháp tích cực hỗ trợ đời sống việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân khu vực nông thôn, góp phần duy trì thành quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần tăng cường nguồn lực cho khu vực này và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tăng vốn đầu tư để xây dựng, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống nhân dân.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản liên quan, tạo thuận lợi trong việc thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn./.