Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị Cán bộ quản lý và Người đại diện năm 2023. Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã thông tin về cơ sở xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đó là dựa trên các Nghị quyết lớn của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết số 55, Nghị quyết 36 và đặc biệt là Nghị quyết số 41.
Vượt qua khó khăn
Theo ông Lê Mạnh Hùng, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển của PetroVietnam đã giải quyết một số nhóm vấn đề gồm giải quyết được những thách thức, các khó khăn và tận dụng các cơ hội thông qua việc tập trung nguồn lực một cách có trọng tâm; xác định, định vị được vấn đề cốt lõi.
Bên cạnh đó, PetroVietnam đã tích cực đổi mới mô hình kinh doanh, xác định các sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực của tập đoàn; tập trung cải tiến hoạt động và tạo mức cạnh tranh trong những năm tiếp theo; tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước; tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia.
[PetroVietnam nằm trong top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam]
Cũng trong khoảng thời gian đó, PetroVietnam gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết 41, đó là việc phải ứng phó với 2 kỳ giá dầu suy giảm; tình hình Biển Đông nhiều biến động phức tạp; cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Dầu khí còn nhiều bất cập; trữ lượng, tiềm năng dầu khí không như mong đợi; việc nhận bàn giao một số dự án yếu kém từ các đơn vị khác gây khó khăn cho PetroVietnam trong công tác quản lý, phân bổ nguồn lực…
Vượt qua những khó khăn đó, PetroVietnam thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xác định được mục tiêu và giá trị cốt lõi để xây dựng, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong tương lai.
“Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực, có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - đó là định hướng, là mục tiêu trong thời gian tới của PetroVietnam,” Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để toàn tập đoàn thực hiện, trong đó ông nhấn mạnh việc thực hiện quản trị tốt nguồn nhân lực. Tập trung thúc đẩy hoàn thiện đồng bộ các thể chế và cơ chế.
Cùng với đó là phát triển công tác quản trị doanh nghiệp. Tích cực chuyển đổi số; đẩy mạnh khoa học công nghệ. Tập trung mở rộng và tích hợp trong công tác mở rộng thị trường và nâng cao thị phần cho các sản phẩm chủ lực. Tập trung tối ưu công tác đầu tư và tài chính và đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Tập trung cao độ vào đầu tư các dự án lớn
Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam đã thông tin chuyên đề về các điểm mới của Luật Dầu khí 2022, Nghị định số 45/2023/NĐ-CP; đánh giá tác động của những sự thay đổi này đối với hoạt động của Tập đoàn, đồng thời, định hướng sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm nội bộ của Tập đoàn.
Việc ban hành Luật Dầu khí 2022 và Nghị định 45 đã hình thành khung pháp lý hoàn toàn mới cho hoạt động Dầu khí ở lĩnh vực thượng nguồn sau 30 năm triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí ban hành lần đầu tiên năm 1993.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn trong thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn cho hay mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước, nhưng nhờ quyết liệt, hiệu quả trong quản trị, điều hành, PetroVietnam đã duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh an toàn, ổn định, đạt kết quả cao, tăng trưởng qua các tháng, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP cả nước, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tại hội nghị, ông Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên PetroVietnam đã phổ biến, quán triệt việc thực hiện các quy định mới của Đảng, pháp luật Nhà nước và PetroVietnam về công tác cán bộ và quản lý người đại diện.
Cùng đó, các ban chuyên môn và các đơn vị thành viên của PetroVietnam cũng đã trình bày nhiều tham luận về vấn đề cơ chế, chính sách cho người đại diện của tập đoàn tại đơn vị; chính sách phát triển năng lượng tái tạo; các dự án nâng cấp, mở rộng các nhà máy lọc dầu, kho chứa xăng, dầu thô hiện hữu; công tác chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh tại đơn vị…
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao PetroVietnam với năng lực vượt khó, sự đóng góp về kinh tế, ngân sách cho đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; khẳng định vai trò là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất, quan trọng nhất đối với đất nước.
“PetroVietnam trong thời gian tới cần tập trung cao độ vào việc đầu tư các dự án lớn và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo,” ông Hồ Sỹ Hùng lưu ý.
Kết luận Hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PetroVietnam đề nghị các đơn vị thành viên trong thời gian tới cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý và người đại diện tập đoàn tại các đơn vị, đồng hành với đội ngũ Người đại diện nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho đơn vị và Nhà nước.
Ông Vượng nhấn mạnh việc tăng cường mối quan hệ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả ngày một tốt hơn, bền vững hơn, đưa đơn vị thành công hơn nữa trong những chặng đường phía trước./.