Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 16/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh với 420/428 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh quy định Chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
Chính quyền địa phương ở quận là Ủy ban nhân dân quận. Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố Hồ Chí Minh là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên theo quy định.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sẽ áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.
Thời gian còn lại của phiên thảo luận sáng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Một trong những nội dung chính được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không.
[Quốc hội thảo luận về Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ]
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết hai Luật này tuy điều chỉnh các nội dung khác nhau nhưng đều phải đặt trong tổng thể xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ. Để phân định được phạm vi điều chỉnh, cần tiếp tục rà soát để tránh các quy định bị chồng chéo, trùng lặp.
Nhiều ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị phải đánh giá kỹ, làm rõ sự cần thiết có nên tách thành hai Luật hay không? Liên quan đến nội dung này, có ý kiến đại biểu cho rằng việc tách hai Luật là không phù hợp. Có ý kiến đại biểu phát biểu thể hiện sự đồng tình với đề nghị của Chính phủ.
Đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội sau khi thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đầu phiên họp chiều, với 440 đại biểu tham gia biểu quyết và tán thành (chiếm 91,29% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021. Luật gồm 2 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 15 điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Các điểm mới của dự thảo Luật gồm việc bổ sung một số đối tượng có hành vi nguy cơ cao được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
Luật mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao trong một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV; bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ phơi nhiễm, người phơi nhiễm HIV.
Luật quy định giảm độ tuổi được yêu cầu xét nghiệm HIV tự nguyện xuống 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, giúp phát hiện, điều trị sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng…
Thời gian còn lại của phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật; thời điểm trình Quốc hội thông qua Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong việc phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhất là trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ về vấn đề tách hay không tách Luật, một số ý kiến đại biểu tán thành với việc ban hành Luật, cho rằng cần thiết phải có một dự án Luật chuyên biệt về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời rà soát để tránh trùng lặp với Luật Giao thông đường bộ.
Tại Kết luận phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đồng ý bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc Chính phủ tách nội dung giao thông đường bộ thành 2 luật riêng biệt cần cân nhắc kỹ và xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. Do đó, vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định.
Ngày 17/11/2020, trong phiên họp sáng, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. Phiên bế mạc được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp./.