Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện cho thế kỷ 21

Các cơ hội và thách thức đang nổi lên đòi hỏi ASEM cần đổi mới, nâng tầm hợp tác, nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình,
Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện cho thế kỷ 21 ảnh 1Các đại biểu dự buổi toạ đàm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bên lề Cuộc họp Hội đồng các thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) lần thứ 37, chiều 30/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Quỹ Á-Âu tổ chức Tọa đàm về “Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện cho thế kỷ 21."

Đây là hội nghị tầm chính sách đầu tiên của Quỹ Á-Âu do Việt Nam tổ chức và là sáng kiến của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ (1997-2017) để đóng góp vào đề xuất định hướng hợp tác Á-Âu, nâng cao hình ảnh và vị thế Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và ASEF trong cục diện đang định hình.

Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar Kyaw Zeya; Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Quỹ ASEF Eva Biaudet; Thống đốc của 53 thành viên ASEM; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam...

Phát biểu chào mừng tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc Việt Nam tại ASEF khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 (2016), các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Ulanbato, cam kết làm sống động hơn nữa hợp tác ASEM và quan hệ đối tác Á-Âu trong thập niên thứ ba.

Đại sứ khẳng định với năm vừa qua là khoảng thời gian đầy thử thách đối với hợp tác đa phương, hệ thống thương mại đa phương và cho cả hai khu vực Á-Âu với những bất định và khó lường, thậm chí chuyển dịch trong cục diện kinh tế, chính trị.

Cách đây 10 ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 đã quyết định các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu. ASEM đứng trước thời điểm chuyển đổi quan trọng. Đây là lúc cần trao đổi phương thức thúc đẩy hợp tác thực chất, nâng cao hình ảnh, tăng cường hiệu quả của ASEM và ASEF.

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá Diễn đàn ASEM với đóng góp quan trọng của ASEF, như một cầu nối gắn kết hai châu lục, phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu trở thành diễn đàn kết nối, liên kết các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết người dân, doanh nghiệp hai châu lục Á-Âu; thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.

Thứ trưởng nhấn mạnh quan hệ đối tác Á-Âu đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thân cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu.

Cục diện khu vực và quốc tế chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc hơn, đặt ra những vấn đề mới đối với các cơ chế, diễn đàn đa phương, trong đó có ASEM. Các cơ hội và thách thức đang nổi lên đòi hỏi ASEM cần đổi mới, nâng tầm hợp tác, nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã đề xuất cùng xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương.

Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện cho thế kỷ 21 ảnh 2 Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Thứ trưởng Thường trực đề xuất 4 vấn đề cần tập trung. Một là, châu Á và châu Âu cần tiếp tục đi đầu duy trì hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung; hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Thứ hai là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21, châu Á và châu Âu có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Thứ ba, ASEM cần tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu công bằng và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Thứ tư, ASEM cần tiếp tục tiên phong trong triển khai hợp tác kết nối, động lực mới của tăng trưởng và liên kết Á-Âu, chú trọng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh trao đổi thương mại, tài chính; phát triển công nghệ thông tin, giao lưu nhân dân, hợp tác khu vực và tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển. ASEF có thể đi đầu thúc đẩy các nỗ lực của ASEM trong tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu mạnh mẽ và gắn kết hơn trong thập kỷ thứ ba.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định với việc triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và đối ngoại đa phương chủ động, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong ASEM để xây dựng tầm nhìn cho Diễn đàn ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện đang định hình.

Tại tọa đàm, nhiều diễn giả chia sẻ trong cục diện đa trung tâm, đa tầng nấc, châu Á và châu Âu tiếp tục đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy hợp tác đa phương.

Trong bối cảnh các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi, cải cách để thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, ASEM cần thúc đẩy hợp tác thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, tiên phong trong tăng cường gắn kết với các cơ chế hợp tác đa phương và toàn cầu, thúc đẩy số hóa là một động lực mới cho hợp tác Á-Âu, nhất là thúc đẩy sự đóng góp của thanh niên với những cơ hội và thách thức các cơ chế hợp tác đa phương có vai trò quan trọng đóng góp ý kiến.

Cùng với các hoạt động và sáng kiến ASEM, kết quả tọa đàm sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Bỉ vào năm sau, đóng góp vào tiến trình tư duy về hợp tác ASEM và ASEF trong thập niên mới.

Thông qua các bài tham luận và phiên thảo luận, các thành viên Á-Âu đều nhấn mạnh những thành tựu của ASEM và bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển hiệu quả của quan hệ đối tác Á-Âu trong tương lai../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục