Xây dựng Vịnh Bắc Bộ thành vùng biển hòa bình, phát triển kinh tế biển

Trong 15 năm qua, việc triển khai Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam-Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Xây dựng Vịnh Bắc Bộ thành vùng biển hòa bình, phát triển kinh tế biển ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 31/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học "Đánh giá 15 năm thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc."

Nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận nhằm hướng tới xây dựng Vịnh Bắc Bộ thành vùng biển hòa bình, phát triển kinh tế biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết trong 15 năm qua, việc triển khai Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam-Trung Quốc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp chính quyền, ngư dân về Hiệp định, về biên giới chủ quyền trên biển, các quy định của 2 quốc gia, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ được nâng lên rõ rệt.

[Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực nông nghiệp]

"Nhìn chung, các hoạt động khai thác thủy sản trên biển của ngư dân trong tỉnh trên vùng biển giáp ranh được tiến hành bình thường, tuân thủ đầy đủ sự kiểm tra, giám sát của lực lượng tuần tra kiểm soát của hai nước," ông Hậu nhấn mạnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Hiệp định, tỉnh Quảng Ninh đã lồng ghép việc triển khai cùng với các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch... của tỉnh về phát triển ngành thủy sản; trong đó, có lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã có 513 lượt tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.

Những tàu cá này đều chấp hành tốt các quy định của Hiệp định Hợp tác nghề cá, hoạt động đúng nghề được cấp phép, ghi nhật ký đầy đủ, được đánh dấu nhận biết theo quy định, không đánh bắt các loài sinh vật hoang dã quý hiếm dưới nước có nguy cơ bị tuyệt chủng...

Bên cạnh đó, hàng năm Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát trên vùng biển đánh cá chung, vùng đệm, vùng dàn xếp qúa độ trong Vịnh Bắc Bộ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hoạt động khai thác làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của ngư dân.

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên bổ sung giống thủy sản vào vùng nước tự nhiên. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, tăng mật độ quần thể các loài thủy sản...

Báo cáo của Ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cho thấy: Sau 15 năm kể từ ngày Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực và đi vào cuộc sống đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ.

Các bộ, ngành địa phương Việt Nam đã tổ chức thực hiện Hiệp định có hiệu quả; đã có sự phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền tập huấn cho ngư dân, cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát; phối hợp trong việc xây dựng đề án, dự án triển khai thực hiện Hiệp định...

Xây dựng Vịnh Bắc Bộ thành vùng biển hòa bình, phát triển kinh tế biển ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hai bên đã thống nhất được phương pháp điều tra, tính toán trữ lượng nguồn lợi hải sản và thống nhất đề cương báo cáo chung của các giai đoạn của dự án trên cơ sở này đề xuất các biện pháp quản lý bảo tồn nguồn lợi trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.

Trên cơ sở số liệu điều tra, hai bên đã thống nhất đánh giá tình hình nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ đang có chiều hướng suy giảm.

“Kiến nghị mỗi bên sau khi kết thúc Hiệp định tự xây dựng kế hoạch để tiếp tục điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản, thả giống tái tạo nguồn lợi, nghiên cứu tiếp tục giảm cường lực khai thác; tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển,” ông Hùng nói.

Ông Vu Khang Chấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc đánh giá Hiệp định là thành quả không hề dễ của xúc tiến hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Phía Trung Quốc đánh giá tích cực về Hiệp định trong xử lý vấn đề đánh cá chung giữa hai nước. Hai bên đã cùng nhau giữ gìn trật tự mới trong nghề cá Vịnh Bắc Bộ, đôn đốc ngư dân hai bên chấp hành Hiệp định, kiểm soát tàu cá trên vùng đánh cá chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.