Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây: Giữ vững thị trường nội địa

Việc giữ vững thị trường nội địa không kém phần quan trọng so với việc mở rộng thị trường xuất khẩu trước sự thâm nhập của sản phẩm trái cây từ các nước.
Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây: Giữ vững thị trường nội địa ảnh 1Chuyển thanh long đi tiêu thụ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Mặc dù trái cây Việt Nam đã có mặt ở khắp 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng sản lượng trái cây xuất khẩu chỉ chiếm 10% tổng sản lượng trái cây sản xuất hàng năm của cả nước. Số lượng còn lại chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, việc giữ vững thị trường nội địa không kém phần quan trọng so với việc mở rộng thị trường xuất khẩu trước sự thâm nhập của sản phẩm trái cây từ các nước khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực.

Tôn trọng người tiêu dùng trong nước

Ngoài mục tiêu xuất khẩu, các sản phẩm trái cây vẫn chủ yếu được tiêu thụ mạnh trong nước. Theo đánh giá của các nhà kinh tế, “sân nhà” vẫn là nơi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất đối với các nhà sản xuất rau củ quả Việt Nam. Bởi lượng hàng hóa sản xuất ra được người dân lựa chọn trực tiếp, không mất nhiều chi phí vận chuyển, thời gian bảo quản, cũng như nhiều thủ tục “kiểm tra chất lượng,” “hàng rào kỹ thuật” như hàng hóa xuất khẩu.

Đồng thời, người tiêu dùng nội địa luôn sẵn sàng ủng hộ sản phẩm trong nước làm ra để xoay vòng kinh tế nhanh, tiêu thụ lớn nguồn hàng tươi này.

Chính vì điều này, trước khi trái cây được đóng gói, dán nhãn xuất khẩu, đã mang lại lợi ích cao cho người sản xuất. Để có thể giữ vững thị trường nội địa, người tiêu dùng trong nước cũng cần được đối xử công bằng.

[Tìm cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam tại thị trường Nhật Bản]

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ngành trái cây Việt Nam phải quyết tâm sản xuất chất lượng cao và tôn trọng người tiêu dùng. Việc xây dựng vùng nguyên liệu trái cây, liên kết nông dân sản xuất trái cây, tập huấn kỹ thuật trồng trọt tiên tiến, an toàn kỹ thuật trước hết vẫn là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, giữ vững lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với trái cây Việt Nam.

Nếu không làm được điều này, 90% sản lượng trái cây Việt Nam sẽ bị người tiêu dùng trong nước “bỏ rơi” để chạy theo các loại trái cây được nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ vì chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe.

Nhiều ý kiến băn khoăn vì sao người tiêu dùng thế giới được sử dụng các loại trái cây tuyển chọn khắt khe, còn người tiêu dùng nội địa lại chỉ được mua sản phẩm loại 2, loại 3, thậm chí trái cây chất lượng kém.

Trăn trở với điều này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng vạch chiến lược phục vụ người tiêu dùng trong nước loại trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo anh Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, thị trường nội địa mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội lớn hơn cả thị trường xuất khẩu bởi người tiêu dùng cũng được phân chia nhiều phân khúc khác nhau. Nhiều người chấp nhận trả giá cao để mua sản phẩm trái cây nhập khẩu, độ tươi ngon không bằng sản phẩm của Việt Nam do trải qua quá trình bảo quản, đông lạnh.

Vì vậy, Vina T&T đã mở chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các loại trái cây Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Australia để cung cấp cho chính người tiêu dùng trong nước.

Khi người tiêu dùng trong nước được tôn trọng như những người tiêu dùng nước ngoài, họ sẵn sàng chi trả giá cao cho sản phẩm nước nhà, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất trái cây.

“Hậu phương” vững chắc cho ngành sản xuất trái cây

Chỉ khi thị trường nội địa được tôn trọng và phát triển vững mạnh, người sản xuất mới có thêm động lực để duy trì sản xuất. Bởi các thị trường nhập khẩu vốn thường xuyên biến động, áp lực cạnh tranh với sản phẩm của nước chủ nhà gay gắt, các chỉ tiêu kỹ thuật luôn quá cao so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Điều này nói lên rằng thị trường nội địa là hậu phương cho ngành trái cây phát triển, từ đó mới đủ nguồn lực phục vụ cho xuất khẩu.

Kết quả khảo sát các hộ nông dân sản xuất trái cây phục vụ cho xuất khẩu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hầu hết những nông dân này đều nhận thức rõ rằng đại đa số người tiêu dùng, bao gồm người tiêu dùng nước ngoài lẫn trong nước đều đòi hỏi sản phẩm trái cây ngon, chất lượng cao. Trong trường hợp sản phẩm sản xuất ra không được thu mua phục vụ cho xuất khẩu, sản phẩm trái cây của họ vẫn được người tiêu dùng trong nước lựa chọn, thay cho hàng hóa từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Khải, thành viên Hợp tác xã xoài xuất khẩu Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp chia sẻ với xu thế hiện nay, ngoài việc sản xuất để bán cho người tiêu dùng, các hợp tác xã sản xuất trái cây còn có xu hướng phát triển du lịch vườn sinh thái. Với những vườn cây sản xuất theo tiểu chuẩn VietGap, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, an toàn cho sức khỏe sẽ dễ dàng trở thành điểm đón khách du lịch.

Cũng tại các vườn trái cây, du khách trực tiếp hái loại trái cây ưa thích và sử dụng tại chỗ. Nếu chất lượng không tốt, thì chính người nông dân sẽ “mất cả chì lẫn chài."

Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây: Giữ vững thị trường nội địa ảnh 2Thu hoạch sầu riêng ở huyện Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ngoài ra, trước xu thế mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng chỉ cần chia sẻ những loại trái cây gây hại cho sức khỏe, trái cây của nhà vườn A nào đó không đạt tiêu chuẩn an toàn sức khỏe... thì ắt sẽ bị người dùng tẩy chay. Do đó, vùng nguyên liệu trái cây nói chung, các nhà vườn sản xuất trái cây nói riêng phải đặt mục tiêu trước nhất là sản xuất vì những người tiêu dùng nội địa, cũng là một cách phòng tránh rủi ro cho chính mình.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các nước nhập khẩu trái cây Việt Nam đang có xu hướng tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của chính họ. Đây cũng là lý do các quốc gia này gia tăng hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại về chất lượng, thương hiệu, giá cả,… tạo nên thách thức lớn và gây khó khăn cho sản phẩm trái cây Việt Nam.

Vì thế, người sản xuất trái cây trong nước cần đồng lòng thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ tại thị trường nội địa, tạo kết cấu tiêu dùng chặt chẽ trước sự thâm nhập của hàng hóa từ nước khác, giảm chi phí trung gian, chi phí sản xuất, đảm bảo quy trình kỹ thuật và giống chất lượng cao để đáp ứng tiêu dùng trong nước. Kinh tế trong nước phát triển mạnh sẽ tạo bệ phóng cho sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài mạnh mẽ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục