Xây dựng Vùng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế năng động

Theo điều chỉnh quy hoạch, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và bảy tỉnh xung quanh với tổng diện tích khu vực quy hoạch khoảng 30.400km2.
Xây dựng Vùng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế năng động ảnh 1Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Phan Thị Mỹ Linh trao tài liệu Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng cho Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 23/1, tại Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Xây dựng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đáp ứng nhu cầu của thành phố trong việc kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa các tỉnh, thành; thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của cả Vùng, đặc biệt tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò hạt nhân, động lực phát triển.

“Sau khi có điều chỉnh quy hoạch Vùng, các địa phương trong Vùng phải công khai quy hoạch cho người dân đồng thời tiến hành xây dựng các quy hoạch địa phương phù hợp chung với quy hoạch Vùng, đặc biệt quy hoạch về giao thông, điện nước, rác thải, kiểm soát quy mô dân số, phù hợp với định hướng phát triển của Vùng; bảo vệ các khu cảnh quan và hành lang xanh...,” Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Thành phố giữ vai trò hạt nhân liên kết của Vùng và là trung tâm kinh tế của cả nước, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong Vùng cùng phát triển.

[Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh]

Thành phố cũng là nơi có tốc độ đô thị hóa cao với thế mạnh về công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế... Vì thế, sau khi có điều chỉnh quy hoạch Vùng, Thành phố sẽ thuê tư vấn điều chỉnh lại quy hoạch chung của Thành phố; trong đó có không gian ngầm, vốn là tài nguyên nhưng lại chưa được khai thác.

Theo điều chỉnh quy hoạch, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và bảy tỉnh xung quanh, gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang với tổng diện tích khu vực quy hoạch khoảng 30.400km2.

Định hướng quy hoạch cũng xác định Vùng Thành phố Hồ Chí Minh gồm các tiểu vùng như tiểu vùng khu đô thị trung tâm, tiểu vùng phía Đông, phía Bắc-Tây Bắc, phía Tây Nam. Ngoài ra còn có các trục hành lang kinh tế trọng điểm như trục hành lang phía Đông Nam dọc Quốc lộ 51, trục hành lang phía Đông dọc Quốc lộ 1, trục hành lang phía Bắc dọc Quốc lộ 13...

Xây dựng Vùng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế năng động ảnh 2Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Dự báo đến năm 2030 dân số của Vùng đạt khoảng 24-25 triệu người; trong đó dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 70-75%; quy mô xây dựng đất đô thị chiếm khoảng 270.000-290.000ha.

Về vị thế, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương và hướng tới quốc tế. Vùng được định hướng phát triển theo mô hình “tập trung, đa cực, thích ứng;” kết nối với nhau nhờ hệ thống giao thông công cộng và các trục hành lang tăng trưởng xuyên tâm, hướng tâm và các trục vành đai liên kết vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.